Những bước đi của Nga trong nỗ lực “phi đô la hóa”

08:02 - 05/08/2023

Việc tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á và Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi trong tháng 7 vừa qua là một bước đi quan trọng tiếp theo trong nỗ lực “phi đô la hóa” của nước này, sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Thanh toán trong thương mại quốc tế bằng đồng USD đã trở thành thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sau khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã tuyên bố sẽ “phi đô la hóa” nền kinh tế của mình với nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tránh xa tiền tệ từ các quốc gia “không thân thiện” và lên kế hoạch tạo ra một loại tiền dự trữ mới với Trung Quốc để thách thức vị thế của đồng USD.

Phát biểu trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga ngày 20/3, Tổng thống Putin đã cam kết sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cho “các khoản thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin”, nhằm thay thế đồng USD.

Tiếp đó, khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 tại Indonesia và lễ khai trương Tổng lãnh sự quán Nga tại Phuket của Thái Lan hồi giữa tháng 7, đại diện Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang lên kế hoạch thảo luận về việc chuyển đổi sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại với các nước Đông Nam Á.

Gần đây nhất, trong tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ II, tại Saint Petersburg, Nga, ngày 28/7, hai bên cũng thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại. Các động thái trên là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm loại bỏ đồng USD trong các giao dịch kinh doanh.

Sau khi bị Mỹ và châu Âu loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để phi USD hóa nền kinh tế, như đề nghị thiết lập nhiều cơ chế thanh toán không sử dụng đồng USD với các quốc gia thân thiện và yêu cầu các quốc gia châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble; thử nghiệm một cơ chế thanh toán mới với Ấn Độ chỉ bằng đồng rupee bắt đầu từ cuối năm 2022.

Nga và các đối tác thương mại thuộc các quốc gia đang phát triển, như các thành viên khối BRICS (gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi) đang tìm cách chuyển sang các loại tiền tệ thay thế, vì muốn có sự linh hoạt cao hơn và ít phụ thuộc hơn vào đồng USD.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng của đồng USD và đồng euro trong các hoạt động ngoại thương của Nga tiếp tục giảm hàng tháng. Tính đến tháng 6, tỷ lệ đồng ruble trong các khoản thanh toán giữa Nga và các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) đã đạt 75%. Hơn 80% giao dịch giữa Nga và Trung Quốc được thanh toán bằng đồng ruble và NDT, trong khi Trung Quốc cũng đã giảm nắm giữ đồng USD. Dự kiến ​​tỷ trọng của các đồng tiền phương Tây trong thương mại của Nga sẽ giảm xuống còn 10-15% vào cuối năm nay. Và trong tương lai, Nga dự định từ bỏ hoàn toàn đồng euro và USD trong xuất khẩu năng lượng.

Trên thực tế, không chỉ Nga chủ động đề xuất loại bỏ đồng USD, mà trong nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đang từng bước loại bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD. Trung Quốc tăng cường thực hiện chiến lược “quốc tế hóa” đồng NDT thông qua việc ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với hàng loạt các quốc gia. Đồng thời, đẩy nhanh việc đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối của mình, trong đó giảm bớt các tài sản bằng đồng USD và thay thế vào đó là các đồng tiền khác như đồng yên Nhật và đồng euro.

Giám đốc điều hành ngân hàng Nga VTB, ông Andrey Kostin, nhận định, đồng USD đã được vũ khí hoá, do đó, các quốc gia sẽ dần ngừng sử dụng đồng tiền này trong thương mại. Theo ông Kostin “Những thay đổi về cấu trúc chắc chắn sẽ xảy ra. Các nước châu Phi cũng đang hành động về nội dung này. Họ đã bắt đầu tạo ra các hệ thống trao đổi thông tin và thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Đây là một xu hướng hứa hẹn”.

Việc Nga thúc đẩy loại bỏ đồng USD, tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại quốc tế, cùng với một số nước tham gia phong trào “phi đô la hóa” đã tạo ra một “cú sốc” với đồng USD. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ là 58,36% trong quý IV năm 2022. Tương lai sử dụng USD trên toàn cầu chắc chắn sẽ bị suy giảm.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được tính toán chiến lược này, khó khăn với Nga là không hề nhỏ. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Nga sẽ khó có thể loại bỏ đồng USD trong thương mại quốc tế, ngay cả khi đồng NDT của Trung Quốc đang thách thức đồng USD để trở thành một đồng tiền dự trữ thay thế. Nhận định này không phải là không có cơ sở.

Về lý thuyết, một đồng tiền của một quốc gia nào đó được công nhận là đồng tiền quốc tế cần phải có những điều kiện tiên quyết, gồm nền kinh tế có đồng tiền đó phải là một nền kinh tế lớn có tầm toàn cầu; qui mô giao dịch thương mại lớn; có nền quốc phòng hùng mạnh để giảm thiểu rủi ro bị tấn công bởi một quốc gia khác bất kỳ lúc nào.

Về lịch sử, trước đồng USD, thế giới đã có những đồng tiền quốc tế khác, như đồng Bảng Anh, Franc Pháp, Franc Thụy Sĩ, Mác Đức… Sau Thế chiến thứ II, nền kinh tế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ cũng là một quốc gia có nền quốc phòng hùng mạnh. Đặc biệt, Mỹ luôn duy trì và đảm bảo được các điều kiện kể trên cho đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, phi USD hóa sẽ yêu cầu một mạng lưới rộng lớn và phức tạp gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tiền tệ, tổ chức phát hành trái phiếu và ngân hàng quyết định sử dụng các loại tiền tệ khác một cách độc lập. Trong khi đó, Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế học và khoa học chính trị Berkeley cho rằng: “Không có một cơ chế nào để khiến tất cả các ngân hàng, công ty và chính phủ thay đổi hành vi của họ cùng một lúc”.

Đối với Nga, theo Bob Stark, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Kyriba – một nền tảng quản lý tiền mặt công ty, nhận định, Nga hiện là một nền kinh tế mong manh và gặp rất nhiều khó khăn. Những nỗ lực của Nga chỉ là một giải pháp để giữ cho nền kinh tế phát triển và duy trì hoạt động thương mại sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây.

Mặt khác, Trung Quốc tuy đã đạt được một số quan hệ đối tác với các quốc gia khác để tăng cường sự hiện diện của đồng NDT trên thị trường thế giới, nhưng theo một số chuyên gia, do các biện pháp kiểm soát vốn của nước này đối với đồng NDT và tính thanh khoản kém hơn USD, nên phải mất một thời gian dài để một loại tiền tệ được tin cậy và sử dụng rộng rãi trong thương mại, và sẽ mất nhiều thời gian để lật đổ đồng USD.

Hiện tại, dù chưa có đồng tiền nào có thể kế vị đồng USD, nhưng các lựa chọn thay thế đang là xu hướng và có thể tạo ra một thế giới tiền tệ “đa cực” trong những năm tới. Mark Tinker, giám đốc điều hành của Toscafund Hong Kong cho rằng: “Quá trình này đang diễn ra. Đồng USD sẽ được sử dụng ít hơn trong hệ thống toàn cầu”. Và như vậy, những nỗ lực “phi đô la hóa” tuy chưa thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng là lời cảnh báo mà Mỹ và châu Âu không thể bỏ qua.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...