Nhà máy được ví như chiếc máy hút bụi lớn nhất thế giới - được thiết kế để hút CO2 từ không khí - mới đây đã đi vào hoạt động ở Iceland.
Đây vẫn được coi một cột mốc quan trọng đối với một công nghệ non trẻ rất có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Nhà máy có tên là Mammoth được thiết kế theo dạng module với 72 thiết bị thu giữ khí carbon - có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển xung quanh dễ dàng.
Thu giữ CO2 trực tiếp là công nghệ được thiết kế để hút khí và lọc carbon bằng hóa chất. Sau đó, carbon được chôn sâu dưới lòng đất, tái sử dụng hoặc biến đổi thành sản phẩm rắn được lưu trữ bền vững. Đây là quy trình do công ty Carbfix của Iceland phát triển.
Bà Sandra Snaebjornsdottir - nhà khoa học trưởng của công ty Carbfix - cho biết: "Chúng tôi truyền CO2 có khả năng tan trong nước - hiểu đơn giản là như nước có ga vậy - xuống lòng đất có loại đá chứa nhiều kim loại như canxi, magie và sắt. Và khi CO2 được nén bằng thành dạng lỏng, ngấm vào đá sẽ làm lộ ra phần kim loại. Sau đó, kim loại sẽ kết hợp với CO2 để tạo thành các khoáng chất có màu trắng như thế này".
(Ảnh: Climeworks)
Toàn bộ hoạt động diễn ra nhờ năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.
Những giải pháp khí hậu thế hệ mới đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý, khi nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.
Mammoth ước tính sẽ hút tổng cộng 36.000 tấn CO2 từ khí quyển một năm khi chạy hết công suất, tương đương cắt giảm được khí thải từ khoảng 7.800 xe chạy xăng trên đường mỗi năm.
Với mỗi tấn CO2 được lưu trữ, công ty Climeworks có thể tạo ra tín dụng carbon cho phép khách hàng của mình bù đắp lượng khí thải nhà kính của họ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh đây vẫn là quy mô nhỏ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tất cả các thiết bị loại bỏ carbon trên thế giới chỉ có khả năng loại bỏ khoảng 0,01 triệu tấn carbon mỗi năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cần đạt vào năm 2030 là 70 triệu tấn để đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...