Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, ngày 25/4 cảnh báo, các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan sẽ nằm trong số những "mục tiêu hợp pháp" đầu tiên của quân đội Nga nếu NATO gây ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Bà Maria Zakharova đưa ra nhận định trên vài ngày sau khi Ba Lan bày tỏ thái độ cởi mở về việc đặt các vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ của mình. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, hành động như vậy có thể được coi là lằn ranh đỏ, làm leo thang cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thành vấn đề toàn cầu.
"Các nhà chức trách Ba Lan không còn che giấu tham vọng của họ về việc làm thế nào để ‘nuôi dưỡng’ vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở châu Âu. Họ đã nói về điều này từ lâu”.
"Họ vẫn đang bình luận về điều này, liên kết nó với chính sách thù địch của họ đối với Nga. Có một ấn tượng là Warsaw đang tìm cách thu hút nhiều sự chú ý hơn nữa từ các nhà hoạch định quân sự trong Bộ Tổng tham mưu Nga", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Bà Maria Zakharova cũng cho rằng: "Trong trường hợp vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan, các cơ sở liên quan sẽ ngay lập tức được thêm vào danh sách các mục tiêu hợp pháp sẽ bị tấn công trong kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp với NATO".
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết: "Bộ Quốc phòng không bình luận về những tuyên bố của các chính trị gia Nga. Những phát ngôn kiểu này còn là một phần trong hoạt động tâm lý nhằm uy hiếp dư luận”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng cho biết chương trình "chia sẻ hạt nhân" của NATO là mấu chốt để duy trì uy tín về khả năng răn đe hạt nhân của liên minh, đồng thời thúc đẩy một NATO đoàn kết và gắn kết hơn.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói với hãng tin Fakt của Ba Lan trong một cuộc trả lời phỏng vấn được công bố hôm 22/4 rằng Ba Lan và Mỹ đã thảo luận về việc đặt vũ khí hạt nhân "một thời gian". Các quốc gia châu Âu khác hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của họ.
"Nếu các đồng minh quyết định triển khai vũ khí hạt nhân như một phần của chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi để tăng cường an ninh sườn Đông NATO thì chúng tôi sẵn sàng cho việc đó", ông Duda nói.
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết “trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, đặc biệt là các mối đe dọa từ Liên bang Nga, bao gồm cả lĩnh vực hạt nhân, răn đe hạt nhân của NATO là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh của Ba Lan và toàn bộ liên minh”, đồng thời khẳng định Warsaw "tham gia tích cực" vào các cuộc tham vấn liên tục giữa các đồng minh.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được đặt tại 6 căn cứ trên khắp 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không còn đặt vũ khí hạt nhân ở Anh hoặc Pháp, những quốc gia có vũ khí hạt nhân riêng.
Theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti, bình luận của bà Zakharova đồng quan điểm với những gì Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 22/4, theo đó cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan có thể khiến Nga "thực hiện tất cả các bước trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của chúng tôi".
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...