Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 20/4/2024.
Nga tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Ukraine: Ít nhất 2 máy bay MiG-29 và một tổ hợp phòng không S-300 của Ukraine đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của Nga.
Hình ảnh do máy bay không người lái ghi lại cho thấy nhiều tên lửa của Nga tấn công vào căn cứ không quân Aviatorskoe của lực lượng vũ trang Ukraine ở Vùng Dnepropetrovsk.
Trong đoạn video đầu tiên, có thể thấy một số máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay vận tải tại sân bay bị tấn công bằng một loại vũ khí dường như là đạn chùm từ tên lửa Iskander-M. Các nhà chứa máy bay và kho đạn dược gần đó cũng bị tấn công.
Ukraine kêu gọi G7 và NATO hỗ trợ khẩn cấp hệ thống phòng không: Hôm 18/4, Ukraine kêu gọi các ngoại trưởng G7 giúp tăng cường lực lượng phòng không khẩn cấp cho quốc gia này trong bối cảnh Kiev đang phải chống chọi với các cuộc không kích có nguy mô ngày càng lớn của Nga.
Trong cuộc họp hôm 18/4 trên đảo Capri (Italy), các bộ trưởng G7 thừa nhận sự cần thiết phải trang bị thêm hệ thống phòng không cho Ukraine, đồng thời hoan nghênh sự góp mặt của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc họp lần này.
Nhóm G7 bao gồm các đại diện của Italy, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu, đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 2 năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc viện trợ cho Kiev đang có dấu hiệu chững lại khi châu Âu dường như đã cạn kiệt nguồn đạn dược và Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí thông qua gói viện trợ quân sự trị giá hơn 61 tỷ USD.
EU thống nhất tăng cường hỗ trợ phòng không cho Ukraine: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm qua (18/4) đã ra tuyên bố tái khẳng định ưu tiên hỗ trợ quân sự, cải thiện năng lực phòng không cho Ukraine và thúc đẩy việc thành lập liên minh thị trường vốn chung châu Âu.
Trong thông cáo đưa ra sau Hội nghị, lãnh đạo 27 nước thành viên EU tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ tuyệt đối về quân sự dành cho Ukraine. EU sẽ thúc đẩy hợp tác nội khối và với Ukraine trong các lĩnh vực phòng thủ mạng, an ninh biên giới cũng như cung cấp đạn dược, vũ khí phòng thủ và nhất là tăng cường liên minh phòng không do Pháp và Đức dẫn đầu.
Phát biểu tại phiên họp báo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo phương Tây sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 7 tổ hợp phòng không Patriot.
NATO gấp rút tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine: Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua (18/4) tuyên bố liên minh quân sự này đang nỗ lực gửi thêm hệ thống phòng không tới Ukraine.
Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trên đảo Capri (Italy), ông Stoltenberg nêu rõ: “Hôm nay chúng tôi tập trung vào phòng không. Hiện có nhu cầu cấp thiết về phòng không nhiều hơn. Chúng tôi đang tích cực làm việc về vấn đề đó ở NATO, kể từ khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi, chỉ hai tuần trước tại Brussels. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường. Chúng tôi đã tổng hợp dữ liệu về các hệ thống phòng không khác nhau mà chúng tôi có trong NATO và tập trung vào các hệ thống Patriot, đồng thời chúng tôi đang làm việc với các đồng minh để đảm bảo rằng họ sẽ triển khai lại một số hệ thống khác tới Ukraine”.
CIA: Ukraine có thể thua Nga vào cuối năm 2024 nếu không có viện trợ: Tại Diễn đàn Lãnh đạo của Trung tâm Bush ở Dallas (Mỹ) hôm 18/4, Giám đốc CIA William Burns cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine sẽ thất bại trước Nga vào cuối năm 2024.
Theo ông Burns, Ukraine “đang ở thời điểm khó khăn trên chiến trường”. Với sự hỗ trợ bổ sung từ Mỹ, các lực lượng Kiev "có thể tự đứng vững trên chiến trường vào năm 2024" và duy trì chiến sự với Nga "trong các đợt tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Crimea".
"Nếu có Mỹ sát cánh, Ukraine hoàn toàn có khả năng tự cầm cự trong năm nay và đập tan luận điểm của Tổng thống Putin rằng thời gian đang đứng về phía ông ấy", Giám đốc CIA nói.
Tướng Đức đưa ra nhận định bất ngờ về khả năng quân sự của Nga: Trong cuộc trả lời phỏng vấn khi đang ở thăm Ba Lan, Trung tướng Carsten Breuer, quan chức quân sự hàng đầu của Đức ngày 18/4 bất ngờ đưa ra nhận định rằng, Nga có thể sẵn sàng về mặt quân sự để tấn công các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian từ 5 đến 8 năm nữa.
Theo Trung tướng Carsten Breuer, dựa trên phân tích tình báo của Đức, Nga sẽ tái thiết lực lượng của mình đến mức có thể thực hiện được một cuộc tấn công nhằm vào NATO.
Nga hiện chưa có bình luận gì về tuyên bố trên của quan chức Đức. Tuy nhiên, trước đó, Nga đã nhiều lần phủ nhận những thông tin kiểu này.
Rơi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga: Theo Bộ Quốc phòng Nga, thông tin sơ bộ cho thấy, chiếc Tu-22M3 gặp nạn do trục trặc kỹ thuật. Trong khi đó, truyền thông Ukraine đưa tin lực lượng nước này lần đầu tiên bắn hạ máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 cho biết, một máy bay Tu-22M3 của lực lượng hàng không vũ trụ đã bị rơi ở Stavropol trong lúc quay trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.
IMF: Xung đột Nga-Ukraine vẫn là rào cản tăng trưởng kinh tế thế giới: Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang gây ra căng thẳng địa chính trị và làm tổn hại đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm.
Bà Kristalina Georgieva cho biết Ukraine sẽ cần hỗ trợ ít nhất 42 tỷ USD trong năm nay trước bối cảnh G7 đang xem xét các phương án sử dụng khối tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga đang bị "đóng băng" trong các ngân hàng châu Âu. Các nước phương Tây đang lo ngại rằng việc sử dụng khối tài sản này có thể đi ngược lại với luật pháp quốc tế và dẫn đến hành động trả đũa từ Nga.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...