Giới quan sát cho rằng Ukraine có thể đã "áp dụng một số chiến thuật sáng tạo để tấn công và phá hủy” một số hệ thống S-400 của Nga, được đánh giá là một trong những tổ hợp phòng không tiên tiến nhất thế giới.
Tổ hợp phòng không hàng đầu thế giới
Hệ thống S-400 của Nga được cho là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới nhưng trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, một số phương tiện đã bị phá hủy bởi những vũ khí phương Tây mà hệ thống này được cho là có thể đối phó.
Các chuyên gia nhận định với Business Insider rằng S-400 là một hệ thống tốt nhưng cũng tồn tại một số điểm yếu mà Ukraine có thể khai thác. Fredrik Mertens, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague cho biết, "chúng ta đều biết các tên lửa của Ukraine đang lọt qua với tỷ lệ có thể gây ra vấn đề cho Nga".
S-400 Triumf của Nga được thiết kế để nhắm vào các tên lửa và chiến đấu cơ nhưng cũng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công đất đối đất. Nga đã sử dụng S-400 để tấn công các thành phố của Ukraine. Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã mô tả vũ khí này là "một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới". Nó vận hành lần đầu tiên vào năm 2007 và được coi là "kỳ phùng địch thủ" của hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.
Người đứng đầu Rosoboronexport, công ty quân sự sở hữu nhà nước của Nga chịu trách nhiệm giám sát hầu hết việc xuất khẩu quân sự hồi tháng 2/2024 đã gọi đây là "hệ thống phòng không tầm xa tốt nhất thế giới".
Business Insider cho rằng, mặc dù tổn thất hệ thống này tương đối hiếm, đặc biệt là so với những phương tiện khác như xe tăng và xe bọc thép nhưng S-400 không phải lúc nào cũng đáp ứng kỳ vọng về khả năng của nó.
Ukraine tìm ra cách đối phó với S-400
John Hoehn - một nhà nghiên cứu tại Tập đoàn RAND chuyên nghiên cứu về tác chiến trên không cho biết: "Tôi nghĩ Không quân Ukraine coi nó là một mối đe dọa đáng kể". Tuy nhiên, theo ông, Kiev đã tìm ra các biện pháp để đối phó với S-400 và thậm chí còn phá hủy một vài hệ thống.
Tháng 9/2023, Kiev thông báo đã phá hủy 2 tổ hợp S-400 của Nga ở Crimea. Chỉ có 5 hệ thống này ở đây trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Ukraine cũng công bố một video cho thấy quá trình phá hủy. Tình báo Ukraine cho biết một hệ thống S-400 đã bị hư hại trong biên giới Nga trong một cuộc tấn công UAV vào tháng 9/2023 và vào tháng 4 năm nay, Kiev tiết lộ đã phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng ít nhất 4 hệ thống S-400 ở Crimea.
Bộ Quốc phòng Anh trong một cập nhật tình báo hồi tháng 11/2023 nói rằng Ukraine có thể đã phá hủy ít nhất 4 hệ thống S-400 chỉ trong 1 tuần trong khi truyền thông Nga nói rằng 3 trong số những hệ thống này đang ở khu vực Lugansk. Kênh Telegram VChK-OGPU dẫn các nguồn tin của các cơ quan quân sự và cảnh sát Nga cho biết, các tên lửa ATACMS đã được sử dụng trong cuộc tấn công trên.
Chuyên gia Fredrik Mertens thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague tiết lộ, các hệ thống S-400 dường như "gặp khó khăn trong việc đánh chặn các mục tiêu là tên lửa đạn đạo".
Một video được công bố hồi tháng 2/2024 cho thấy một tên lửa Storm Shadow đã bay qua một hệ thống S-400 ở Crimea. Theo ông John Hoehn, nhà nghiên cứu tại Tập đoàn RAND, có thể hệ thống này vẫn chưa được thiết lập nên radar của nó không hoạt động đúng chức năng hoặc Ukraine đã sử dụng tác chiến điện tử để đối phó.
Mick Ryan - Tướng Lục quân Australia đã nghỉ hưu, đồng thời là một chiến lược gia quân sự nói: "Để đánh bại những hệ thống có khả năng cao như S-400 thì cần phải dựa vào cách tiếp cận những hệ thống đó. Đó không chỉ là việc phóng một vũ khí vào nó mà bạn phải loại bỏ tất cả những thứ bảo vệ nó, dù đó là những thiết bị cảm biến hay các vũ khí khác hoặc những hệ thống phòng thủ tên lửa, phòng không và chống UAV".
Làm được điều này "rất khó khăn. Nó đắt đỏ và là một thách thức lớn khi nhắm vào mục tiêu". Tuy nhiên, ông Ryan cho rằng Ukraine, với sự hỗ trợ từ các nước NATO "đã trở nên tinh vi và bài bản hơn trong việc đối phó với những hệ thống có khả năng cao của Nga".
Các hệ thống phòng không thường hoạt động như một phần của mạng lưới nhiều tầng thay vì hoạt động đơn lẻ, theo đó các hệ thống phối hợp với nhau để chống lại một cuộc tấn công và vô hiệu hóa nó, cũng như bảo vệ những hệ thống có giá trị nhất trong mạng lưới, chẳng hạn như S-400.
Chuyên gia Hoehn nói rằng, Ukraine có thể tấn công một số hệ thống S-400 có lẽ là bởi những lỗ hổng trong mạng lưới của Nga hoặc có lẽ do hệ thống này không được thiết lập đúng cách, tạo ra khoảng trống, bởi một số hệ thống như Pantsir không đủ khả năng để bảo vệ và hỗ trợ S-400. Theo ông Hoehn, Ukraine có thể "áp dụng một số chiến thuật sáng tạo để tấn công và phá hủy những hệ thống tinh vi này của Nga".
S-400 vẫn là mối đe dọa với Ukraine
Còn theo chuyên gia quốc phòng Mattias Eken thuộc Tập đoàn RAND, S-400 là "một hệ thống có khả năng nhưng không phù hợp để tấn công". Ông cho biết, lực lượng không quân Ukraine vẫn cẩn trọng và duy trì một khoảng cách an toàn với tiền tuyến do mối đe dọa từ S-400 cũng như các hệ thống tên lửa đất đối không khác của Nga.
Ukraine đang cạn kiệt tên lửa Patriot và các tên lửa phòng không khác, cũng như các tên lửa tầm xa mà nước này sử dụng để nhắm vào các trang thiết bị của Nga sau khi sự hỗ trợ từ Mỹ tạm dừng trong 6 tháng.
Có thể thấy, S-400 vẫn là một mối đe dọa với Ukraine. Chuyên gia Hoehn nhận định, bất kỳ tiêm kích F-16 nào mà Ukraine dự kiến nhận được từ các đối tác vào mùa hè này nằm trong tầm bắn của S-400, đều sẽ trở thành mục tiêu. Ông đánh giá, việc phá hủy các hệ thống phòng không của Nga có thể là ưu tiên của các phi công Ukraine lái F-16 nhưng đối phó với các hệ thống S-400 vẫn là một thách thức lớn bởi chúng là mối đe dọa đáng kể nhất với các chiến đấu cơ này.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...