Trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực, trật tự thế giới được cho là phục vụ lợi ích cuả phương Tây, nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế lớn mới nổi là Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil đang có tham vọng trở thành đối trọng kinh tế, địa chính trị của G7.
Hướng tới mục tiêu BRICS đối trọng G7, mở rộng khối và tăng cường thương mại giữa các thành viên, thúc đẩy tái cấu trúc toàn cầu sẽ là nội dung chính tại hội nghị thượng đỉnh của khối khai mạc tại Nam Phi vào ngày mai (22/8).
Hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó 23 quốc gia chính thức nộp đơn đăng ký cho thấy tẩm ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng lớn của BRICS. Trong số này có những cái tên đáng chú ý như Indonesia, Saudi Arabia, Iran, Ai Cập, Argentina… Nước chủ nhà Nam Phi cho biết đã gửi lời mời tới hơn 70 nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi và các quốc gia Nam bán cầu khác, cùng với các nhà lãnh đạo từ nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ tham dự một cuộc họp đặc biệt nhằm thu hút tiếng nói của các nước đang phát triển dù chưa là thành viên BRICS.
Nhà ngoại giao cấp cao BRICS của Nam Phi Anil Sooklal cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức toàn cầu lớn. Vì vậy, có nhiều kỳ vọng BRICS sẽ thể hiện sự tích cực trong những thách thức toàn cầu và cũng xem xét hợp tác để cùng nhau giải quyết cấu trúc toàn cầu hiện tại vốn quá lỗi thời, không công bằng và nhất là cấu trúc đó không bao gồm châu Phi và Nam bán cầu”.
Ngoài vấn đề mở rộng khối, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc tăng cường giao dịch thương mại bằng nội tệ của các thành viên, thậm chí thành lập 1 ủy ban kỹ thuật để bắt đầu xem xét một loại tiền tệ chung tiềm năng, một ý tưởng đã ấp ủ từ lâu. Năm 2015, khối này đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới nhằm đối trọng với 2 tổ chức do Mỹ, châu Âu chi phối là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Chiếm 31% GDP toàn cầu, 42% dân số thế giới và hơn 16% thương mại của thế giới, giới chuyên gia cho rằng BRICS có thể tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu độc lập có khả năng kết hợp đồng tiền của các nước đang phát triển trong các giao dịch thương mại quan trọng cũng như có thể tăng tốc quá trình phi đô la hóa, hướng tới một hệ thống thương mại công bằng hơn.
Chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga Andrey Spartak, nhận định cơ chế BRICS, lực lượng tiềm năng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của thế giới hiện đã sẵn sàng xây dựng một chương trình cải cách cho trật tự kinh tế toàn cầu: “Sức mạnh của các nước BRICS đang tiệm cận sức mạnh của nhóm G7 bao gồm các nước phát triển, và nhất là ở cấp độ kinh tế. Cơ chế BRICS có tiềm năng trở thành một tổ chức quan trọng trong việc định hình sự phát triển toàn cầu. Tiềm năng của nó không chỉ nằm ở kinh tế mà còn ở các sáng kiến khác nhau mà BRICS thúc đẩy. Theo quan điểm của tôi, các nước BRICS đã sẵn sàng thiết lập một chương trình cải cách cho trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay.”
BRICS nhấn mạnh, sự hợp tác tài chính kể từ khi thành lập đã giúp thúc đẩy cải cách Ngân hàng Thế giới và IMF, kiềm chế quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ và theo đuổi cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều quốc gia thành viên đã bắt đầu giao dịch bằng đồng nội tệ. Ví dụ, Nga và Trung Quốc hiện nay đã thanh toán phần lớn các giao dịch thương mại bằng đồng Nhân dân tệ và đồng rúp.
Hai “đầu tàu” là Nga và Trung Quốc đều mong muốn thổi làn gió mới vào BRICS. Tuy nhiên, lộ trình cạnh tranh của BRICS dường như còn khá mơ hồ khi có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh như xung đột lợi ích trong nội bộ BRICS. Ấn Độ và Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn về thương mại, biên giới, trong khi Nam Phi và Brazil không thể giúp Nga nhiều do các vấn đề liên quan đến ngoại giao. BRICS được cho là khó đảm bảo đủ nguồn lực cho cuộc chiến đường dài với thế lực kinh tế như G7.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...