Bị truy tố lần 2, ông Trump đối mặt với rủi ro pháp lý nghiêm trọng

23:27 - 11/06/2023

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố lần 2, liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật sau khi ông rời Nhà Trắng.

Vụ việc bắt nguồn từ cáo buộc ông Trump lưu giữ các tài liệu nhạy cảm về an ninh quốc gia tại nơi cư trú của ông ở Florida và cáo buộc ông cản trở các nỗ lực của nhà chức trách nhằm thu hồi những tài liệu này. ABC News dẫn các nguồn tin cho biết, ông Trump dự kiến phải trình diện tại tòa án liên bang ở Miami vào chiều 13/6.

Bản cáo trạng này được đưa ra khoảng 2 tháng sau khi ông Trump bị buộc tội tại tòa án bang New York với cáo buộc làm sai lệnh hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản tiền “bịt miệng” một nữ diễn viên phim người lớn. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, so với bản cáo trạng ban đầu, bản cáo trạng trong cuộc điều tra lưu giữ tài liệu mật sẽ gây ra rủi ro pháp lý nghiêm trọng hơn nhiều cho ông Trump. Bên cạnh đó, việc ông Trump bị truy tố khi vẫn đang là gương mặt dẫn đầu cho đề cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà trước thềm cuộc bầu cử 2024 có thể ảnh hưởng đến quá trình tranh cử của ông.

Vào năm 2022, các nhà điều tra đã thu giữ khoảng 300 tài liệu mật khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida. Trong số này có những tài liệu được đánh dấu là “tuyệt mật”.

Ông Trump bị cáo buộc những tội danh gì?

Chi tiết cụ thể của các cáo buộc mới nhất chống lại ông Trump không được công khai, vì bản cáo trạng hiện đã được niêm phong. Nhưng truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin cho biết, cựu tổng thống Mỹ bị truy tố 7 tội danh liên quan đến xử lý các tài liệu mật và cản trở công lý.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 8/6, ông Jim Trusty – một trong số các luật sư của cựu Tổng thống Trump cho biết, ông đã xem đơn triệu tập của các công tố viên tóm tắt những luật mà ông Trump bị cáo buộc vi phạm. Những luật này gồm: đạo luật gián điệp cấm lưu giữ các tài liệu mật, đạo luật cấm cản trở quy trình tố tụng chính thức, đạo luật cấm làm sai lệch hoặc hủy hoại hồ sơ liên quan đến một cuộc điều tra liên bang, đạo luật cấm khai man.

Ai chịu trách nhiệm về bản cáo trạng của ông Trump?

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã bổ nhiệm ông Jack Smith, một chuyên gia về tội phạm chiến tranh, làm công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra cựu Tổng thống Donald Trump liên quan vụ tài liệu mật và bạo loạn Đồi Capitol.

Theo các quy định liên quan đến bổ nhiệm cố vấn đặc biệt của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Smith sẽ không phải chịu sự giám sát của bất cứ quan chức nào trong bộ này.

Tuy nhiên, ông Smith phải thông báo trước cho ông Garland khi muốn thực hiện bất cứ hành động nào. Bộ trưởng Tư pháp sẽ có quyền phủ quyết những hành động mà ông cho là “không phù hợp hoặc không chính đáng theo quy định của bộ”. Nói cách khác, ông Smith sẽ xác định những cáo buộc cựu tổng thống có thể phải đối mặt, nhưng quyết định khởi tố hay không thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.

Ông Trump có bị bắt giữ?

Khi bị truy tố ở New York liên quan đến cáo buộc chi tiền để “bịt miệng” ngôi sao phim người lớn, ông Trump đã trình diện tại văn phòng công tố viên quận Manhattan trước khi đến tòa án. Tại văn phòng công tố, ông Trump được thông báo rằng ông bị bắt giữ, bị lấy dấu vân tay, sau đó được đưa tới tòa trước thẩm phán Juan Merchan. Theo các chuyên gia pháp lý, ông Trump có thể trải qua quy trình tương tự trong đợt xét xử thứ 2 này.

Cựu tổng thống Trump cho biết ông dự kiến ​​​​sẽ trình diện trước tòa án liên bang ở Miami vào chiều 13/6, mặc dù thủ tục chi tiết vẫn chưa được tiết lộ. Nếu bị kết án vi phạm đạo luật gián điệp và đạo luật cản trở thực thi công lý, ông Trump có thể phải ngồi tù. Nhưng nếu bị kết án phạm tội khai man, ông Trump có thể tránh được điều này.

Liệu ôngTrump có thể tiếp tục tranh cử tổng thống?

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng ông Trump vẫn có thể tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng một cách hợp pháp dù bị truy tố. Cựu tổng thống Trump từng bị truy tố tại New York song ông vẫn thực hiện các hoạt động tranh cử. Tuy vậy, tuyên bố của thẩm phán tòa án Manhattan về việc phiên tòa hình sự xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ được mở vào tháng 3/ 2024 – thời điểm các cử tri chọn ra ứng cử viên tranh cử tổng thống cho đảng của mình có thể gây khó khăn cho ông.

Ngoài ra, không có điều khoản nào trong hiến pháp Mỹ quy định các ứng viên không được tranh cử tổng thống khi ở trong tù. Từng có một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như chính trị gia xã hội chủ nghĩa Eugene Debs giành được gần 1 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1920, mặc dù ông tiến hành chiến dịch tranh cử từ trong phòng giam. Hay LaRouche – một nhà hoạt động chính trị người Mỹ đã tiến hành tranh cử trong khi đang thụ án vì tội gian lận năm 1992./.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...