Mưa lớn không ngừng đổ xuống một số khu vực Tây Nam Trung Quốc hôm 8-9/6 đã gây lũ lụt ở một số thành phố, cản trở giao thông và nhấn chìm nhiều xe cộ. Trong khi đó, ở nhiều nước châu Á, tình trạng nắng nóng và thiếu điện đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.
Theo thông báo của Cục Khí tượng Trung Quốc, thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây ghi nhận lượng mưa 453 mm vào hôm nay (8/6), đây là lượng mưa lớn nhất trong ngày được ghi nhận trong khu vực vào tháng 6. Hình ảnh trong nhiều video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, nhiều ô tô bị ngập một nửa bánh xe trên đường phố Bắc Hải ngập nước và tại một số tòa nhà cao tầng, nước tràn xuống cầu thang bộ khi lực lượng cứu hộ chạy đua để giải cứu người dân.
Đài truyền hình CCTV đưa tin, các chuyến tàu, phà từ Bắc Hải đến đảo Vi Châu gần đó sẽ bị đình chỉ hoàn toàn trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 12/6, do gió mạnh và mưa lớn sẽ ập đến liên tục tại Vịnh Bắc Bộ ngoài khơi bờ biển Nam Trung Quốc.
Thành phố Ngọc Lâm lân cận, phía tây tỉnh Quảng Đông, đã ghi nhận 35 giờ mưa liên tiếp tính đến sáng nay. Sở cứu hỏa của tỉnh cho biết các ngôi làng và thị trấn trong khu vực bị ngập trong nước lũ, hơn 100 người đã được sơ tán khẩn cấp.
Cơ quan thời tiết Trung Quốc cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở miền nam Trung Quốc trong những ngày tới trong khi phía đông bắc dự kiến sẽ hứng chịu những cơn giông bão bất ngờ.
Trung Quốc gần đây đang phải hứng chịu ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Tại tỉnh Quảng Tây, hạn hán nghiêm trọng hiếm gặp đã xảy ra hồi tháng 5, với lượng mưa trung bình thấp nhất trong 60 năm. Tỉnh Hà Nam – vựa lúa lớn của Trung Quốc, gần đây đã hứng chịu mưa lớn dai dẳng khiến mất mùa màng hoặc bị bệnh bạc lá, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc…đang phải đối mặt thách thức lớn do ảnh hưởng của tình trạng nắng nóng cực đoan, kéo theo nguồn cung ứng điện năng không được đảm bảo. Chủ động cắt điện luân phiên hay giới hạn cung ứng điện cho sản xuất nằm trong số các giải pháp trước mắt mà nhiều nước đang áp dụng để ứng phó với thực trạng khan hiếm điện như hiện nay.
Trong bối cảnh nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Bangladesh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng khi nhà máy điện Payra – nhà máy nhiệt điện lớn nhất và hiện đại nhất của nước này, phải tạm thời đóng cửa do thiếu than đá- nguồn nhiên liệu chính phục vụ cho hoạt động sản xuất. Việc nhà máy này đóng cửa dự kiến có thể dẫn tới thiếu hụt 1200 MW điện trên lưới điện quốc gia.
Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Bangladesh Nasrul Hamid thông báo, nước này đang tìm cách khởi động lại nhà máy điện Payra vào tuần cuối cùng của tháng 6 này.
Bangladesh đang chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức cao nhất trong vòng 50 năm qua, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đáng kể so với dự báo. Trong 5 tháng đầu năm nay Bangladesh đã buộc phải cắt điện trong 114 ngày.
Nắng nóng khắc nghiệt cùng tình trạng mất điện diện rộng xảy ra thường xuyên, nhất là vào ban đêm, ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống sinh hoạt của người dân: “Nắng nóng như thiêu như đốt khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt. Chẳng còn thấy bóng râm đâu cả. Nhất là làm việc ngoài trời lúc này trở nên khó khăn hơn nhiều.”
“Thời tiết quá oi bức. Ở nhà lại mất điện khiến tôi không thể ngủ được. Nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực vì không làm được việc gì cả.”
Tại Mumbai – thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, cũng vừa chứng kiến lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đầu tháng 6 đạt mức cao nhất lịch sử, khiến một số quận tại đây phải cắt điện luân phiên.
Trong khi đó, hệ thống điện quốc gia Thái Lan đang đứng trước tình trạng báo động. Nhiệt độ phá vỡ kỷ lục đã khiến phụ tải điện tại nhiều địa phương của đất nước chùa vàng tăng cao chưa từng thấy. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000MW chỉ trong một ngày. Giới chức Thái Lan đang tích cực triển khai chiến dịch truyền thông về tiết kiệm điện trên toàn quốc, kêu gọi người dân và doanh nghiệp nước này tăng cường sử dụng các biện pháp làm mát không cần đến điện, giảm thời gian sử dụng điều hoà.
Trong bối cảnh tiền điện đắt đỏ, nhu cầu làm mát tăng cao trong mùa hè, nhiều người dân Hàn Quốc đang đổ xô đi mua các thiết bị có tính năng tiết kiệm, vừa có thể giúp xua đi cái nóng, vừa giúp hóa đơn tiền điện không tăng quá cao.
Nhìn chung, nền nhiệt toàn châu Á năm nay được dự báo sẽ đạt mức cao chưa từng thấy. Thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện gia tăng, đang tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành điện tại nhiều quốc gia khu vực này./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...