Xử nghiêm để trị thói côn đồ

16:10 - 13/01/2025

Việc xử lý nghiêm tình trạng dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn nhỏ nhặt không chỉ bảo vệ quyền lợi người bị xâm hại, duy trì trật tự xã hội, mà còn khiến nhiều người phải tự thay đổi cách ứng xử.

Hành xử bằng nắm đấm

Đầu tháng 1, dư luận phẫn nộ với hình ảnh hai vợ chồng thay nhau hành hung một tài xế công nghệ trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM). Người vợ thậm chí còn dùng chân ghì đầu nam tài xế xuống mặt đường, liên tục lớn tiếng quát chửi. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng tuy bức xúc nhưng không dám vào can ngăn, vì cả hai đối tượng đang rất hung hãn.

Vụ việc được nhân chứng dùng điện thoại quay lại, chia sẻ lên các trang mạng xã hội. Chỉ ít giờ sau, đôi vợ chồng này bị Công an Q.1 tạm giữ về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nguyên nhân hỏi ra thì thật nhỏ nhặt: Hai vợ chồng đang cự cãi với người khác vì chuyện quay đầu xe, nam tài xế công nghệ vào can ngăn liền bị tấn công tới tấp.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ án gây rối trật tự công cộng bị xử lý thời gian qua, không chỉ ở TP.HCM mà còn tại các địa phương khác như Lâm Đồng, Bình Phước… Những vụ việc này đều có một điểm chung, đó là chỉ vì chuyện mâu thuẫn khi va chạm giao thông, đối tượng sẵn sàng hành hung, gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản của người khác, qua đó gây ảnh hưởng xấu tới trật tự công cộng, khiến dư luận bức xúc.

Phân tích về tình trạng vừa nêu, TS - thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, cho rằng một bộ phận người tham gia giao thông đang có xu hướng dùng "nắm đấm" thay vì "cái đầu lạnh" để giải quyết mâu thuẫn.

Xử nghiêm để trị thói côn đồ

Nhiều người sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết chỉ vì mâu thuẫn va chạm giao thông

ẢNH: CHỤP TỪ CLIP

Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn người có tính khí nóng nảy, dễ bị kích động và phản ứng bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn. Một số người thì không hiểu rõ hoặc coi thường pháp luật, tin rằng sử dụng vũ lực sẽ khẳng định được "quyền lực", chứng tỏ sức mạnh và cho người khác thấy mình "không dễ bắt nặt", từ đó chủ động "giành phần thắng" trong xung đột. Cũng có người mang tâm lý tự ái, sĩ diện cao, chỉ cần nghe lời nói thiếu kiềm chế từ phía đối phương là sẵn sàng "động chân, động tay" nhằm bảo vệ cái tôi; hoặc có xu hướng đổ lỗi cho đối phương, cho rằng mình là nạn nhân để "hợp thức hóa" hành vi bạo lực.

Nhưng điều đáng ngại nhất, theo thượng tá Hiếu, là suy nghĩ không sợ hậu quả pháp lý. Nhiều người hành xử côn đồ vì họ không sợ hoặc không nghĩ đến hậu quả, tin rằng hành vi của mình sẽ không bị trừng phạt. Dẫn chứng gần đây, mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều, báo chí và mạng xã hội đăng tải dày đặc, nhưng những vụ việc mới vẫn xảy ra. "Như thế thì không thể biện minh là thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không làm chủ cảm xúc được nữa", ông nói.

Xử nghiêm để ngăn chặn

Theo luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, trong đó có va chạm giao thông, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến tinh thần, sức khỏe, tài sản của người khác; cùng đó là ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, tạo tâm lý bất an, bức xúc cho dư luận.

Pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ quy định để xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Như các vụ việc vừa qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng, khi thiệt hại dừng ở mức ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng. Nếu hậu quả nghiêm trọng hơn, điển hình là trường hợp hành hung đến mức nạn nhân bị dập não rồi tử vong ở Bình Dương, người gây ra hành vi có thể bị khởi tố tội cố gây thương tích (gây chết người). Nghiêm trọng hơn nữa, người phạm tội còn có thể bị xử lý về tội giết người.

Bày tỏ ủng hộ với sự vào cuộc kịp thời và xử lý nghiêm của cơ quan chức năng các địa phương, luật sư Tâm cho rằng đây sẽ là cách tốt nhất để răn đe, bảo vệ quyền lợi của người bị xâm hại nói riêng và duy trì trật tự xã hội nói chung. Quan trọng hơn, động thái này còn gián tiếp khiến những người "máu nóng", chưa hoặc đang có ý định hành xử tương tự, phải chủ động thay đổi hành vi. "Họ nhìn vào những trường hợp bị xử lý, tự hiểu rằng nếu mình làm như vậy thì cũng sẽ rơi vào vòng lao lý tương tự, tự khắc mà nhắc nhở bản thân", luật sư Tâm nhận định.

Đồng quan điểm, thượng tá Đào Trung Hiếu ghi nhận sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời của cơ quan chức năng mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. "Răn đe để điều chỉnh lại thái độ, nhận thức của chính các đối tượng đó; những người khác nhìn vào tấm gương bị xử lý cũng rút ra cho mình bài học và cư xử đúng mực. Thông qua đó kiểm soát cảm xúc của mình, không để cho những cảm xúc, tâm lý nhất thời manh động dẫn dắt dẫn đến các hành động bản năng vi phạm pháp luật".

"Thuốc" gì trị thói côn đồ?

Xử lý nghiêm là điều cần thiết, nhưng đây chỉ là giải pháp khi hành vi vi phạm đã được thực hiện. Giải pháp lâu dài và bền vững là vẫn phải làm sao để mọi người tham gia giao thông không có, không muốn và không dám nảy sinh ý định dùng "nắm đấm" để nói chuyện.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về pháp luật và văn hóa giao thông, qua đó giúp người dân hiểu rõ về các chuẩn mực ứng xử, các hành vi không nên và không được làm, hậu quả pháp lý là gì nếu vẫn cố tình làm. "Việc này không chỉ thực hiện với người lớn, mà cần chú trọng ngay với học sinh, để tạo nền tảng ý thức bền chắc từ gốc rễ", luật sư nói.

Về góc độ người trực tiếp tham gia giao thông và không may xảy ra va chạm hoặc mâu thuẫn, thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo trong mọi tình huống nên giữ bình tĩnh và biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân. "Hãy hít thở sâu và giữ bình tĩnh, mỗi bên nhường nhịn nhau một chút, tránh to tiếng hoặc có lời nói khiêu khích, thách thức đối phương, bởi điều này chỉ làm tình hình xấu đi và dễ kích động bạo lực", ông lưu ý.

Trong trường hợp tình hình nằm ngoài kiểm soát, người yếu thế trước tiên cần tìm cách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân; đồng thời gọi điện báo công an hoặc lực lượng chức năng khác để can thiệp và giải quyết. Người liên quan đến vụ va chạm giao thông có thể sử dụng điện thoại hoặc camera hành trình ghi lại diễn biến sự việc, những bằng chứng này sẽ giúp bảo vệ họ trước pháp luật. Đặc biệt, các vụ xô xát thường diễn ra ở nơi công cộng, người ngoài cuộc tránh hùa theo hoặc kích động xung đột; điều cần làm là khuyên can hoặc gọi sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng.

Đồng tình, luật sư Hùng nhận định trong một số trường hợp, sự thờ ơ, không kịp thời ngăn cản của những người xung quanh có thể là một phần nguyên nhân khiến đối tượng thực hiện hành vi "được nước lấn tới", đẩy sự việc đi quá giới hạn. Nếu khả năng cho phép (an toàn), sự can thiệp từ bên thứ ba sẽ là cách nhanh nhất để chấm dứt xung đột.

Vị luật sư kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là camera giám sát giao thông, để có bằng chứng xử lý khi va chạm xảy ra, người tham gia giao thông vì thế cũng sẽ "dè chừng" hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân chủ động tố giác vi phạm hoặc cung cấp chứng cứ, giúp thuận lợi cho việc xác minh. "Nhiều vụ xuất phát từ người khác quay được video, hoặc trích xuất camera hành trình của phương tiện khác, rồi đăng tải lên mạng xã hội, từ đó cơ quan điều tra vào cuộc xử lý quyết liệt. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng", theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Tôi thường tự đặt câu hỏi nếu không may ra đường rơi vào tình huống bị tấn công thì nên ứng xử thế nào. Phản kháng thì có thể khiến bản thân vi phạm pháp luật, không phản kháng thì thiệt hại, thậm chí xô xát nhỏ cũng khó để cơ quan pháp luật vào cuộc. Nhưng nay thấy các vụ "hổ báo" đều bị xử lý rất nhanh và quyết liệt, tôi đã yên tâm hơn, sẽ luôn tin tưởng vào pháp luật trong mọi tình huống.

Anh Nguyễn Thịnh, 37 tuổi, trú tại Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...