Cáo trạng xác định trong 10 năm (từ 2012 - 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay, trị giá hơn 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (trong đó gồm 483.000 tỉ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỉ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB. Từ đó, Viện KSND TP.HCM (VKS) đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "tham ô tài sản", "đưa hối lộ".
Sau những ngày các luật sư, bị cáo bào chữa, khi tranh luận bổ sung, đối đáp lần hai, VKS ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị lần một đối với 22 bị cáo trong vụ án. Trong đó, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) được giảm xuống 10 - 11 năm, thay vì 11 - 12 năm; Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Lan) 17 - 18 năm tù, trước đó là 19 - 20 năm tù; Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang) từ 10 - 11 năm tù, giảm còn 9 - 10 năm tù… Đối với các bị cáo còn lại trong vụ án, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố.
"Bài học quý giá nhất chỉ được học qua khổ đau"
Sau phần tranh luận, đối đáp căng thẳng để làm rõ nhiều nội dung còn tranh cãi trong vụ án, 78 bị cáo có mặt trong phiên xử đã nói lời sau cùng. Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo giãi bày sự day dứt, ân hận vì hành vi sai phạm của mình, gây đau khổ cho gia đình, người thân. Sau nhiều tháng bị tạm giam, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi tham ô tài sản, tất cả bị cáo đều thừa nhận sai phạm như cáo buộc, và nhận ra phải thượng tôn pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Là người nói lời sau cùng đầu tiên, bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần khóc, nhìn nhận trách nhiệm với hậu quả xảy ra tại SCB, nhưng cho rằng bản thân không tham ô tài sản và không đưa hối lộ. Theo bị cáo, mình không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Tuy nhiên, VKS lập luận, vụ án là đồng phạm có tổ chức, các bị cáo thực hiện chuỗi sai phạm, người sau tiếp cận sai phạm người trước để nối tiếp. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất ở SCB, bố trí bổ nhiệm, điều hành các bị cáo có chức vụ khác tại SCB. Như vậy, bị cáo Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chủ thể theo tội "tham ô tài sản".
Bị cáo Trương Mỹ Lan nói sau mỗi ngày kết thúc phiên tòa trở về trại giam, bị cáo luôn day dứt với câu hỏi "tại sao bản thân và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát thế này?". Từ ngày bị bắt cho đến nay, bị cáo Lan nhiều lúc tuyệt vọng và cảm thấy đau xót khi khiến chồng Chu Lập Cơ và cháu Trương Huệ Vân cũng bị bắt.
Bị cáo Lan nói rằng đã nhận ra có lẽ bản thân tham gia ngân hàng trong khi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này. Do thiếu hiểu biết pháp luật, không lường trước được việc bị cuốn vào vòng xoáy tái cơ cấu SCB mà làm sai quy định pháp luật. Bị cáo vừa khóc vừa nói trước kia gia tộc luôn sum vầy, giờ tan nát mỗi người một ngả, "không biết có ngày được cùng nhau ăn bữa cơm hay không"...
"Tôi được mọi người xem là người vững vàng, nghị lực, nhưng tôi cũng là phận đàn bà, có những nỗi đau không thể nói được thành lời của một người vợ, người mẹ khi hạnh phúc đã tuột ra khỏi vòng tay, và phải đối diện án tử hình", bị cáo Lan giãi bày.
Được nói lời sau cùng, chồng và cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan đều xin cho Trương Mỹ Lan có cơ hội thoát khỏi án tử, để giải quyết hậu quả vụ án. Bị cáo Trương Huệ Vân nói trong nước mắt: "18 tháng qua trong trại tạm giam, bị cáo nhận được vô số bài học quý giá. Sau tất cả bị cáo sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật. Bị cáo nhận ra bài học quý giá nhất chỉ được học qua khổ đau".
Những giọt nước mắt muộn màng
Đứng trước HĐXX, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) đã bật khóc suốt 10 phút nói lời sau cùng.
Xin tòa khoan hồng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trình bày chuỗi ngày vừa qua là những ngày tột cùng đau khổ của bị cáo và gia đình. 30 năm công tác trong ngành ngân hàng, 24 năm đảm nhiệm chức vụ thanh tra, dù ở vị trí nào bị cáo cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp yêu mến, nhưng vì phút sai lầm, hèn nhát mà trả giá quá đắt, đánh mất tất cả.
Bị cáo Nhàn trình bày: "Tôi ân hận, xấu hổ về hành vi sai phạm của mình. Đây có lẽ là bài học vô cùng sâu sắc với cá nhân bị cáo, đó là hãy thượng tôn pháp luật dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những ngày qua bị cáo trình bày quan điểm tại tòa chỉ mong tòa xem xét hoàn cảnh phạm tội chứ không cố ý đổ tội, đổ lỗi cho ai. Tôi thừa nhận hành vi của mình từ ngày đầu điều tra và suốt quá trình xét xử".
Theo cáo buộc, bị cáo Đỗ Thị Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, sau khi biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ sai phạm. Tuy nhiên thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), bị cáo Nhàn hai lần gặp bị cáo Trương Mỹ Lan để thỏa thuận che giấu thực trạng, sai phạm của SCB. Bị cáo đã 4 lần thông qua Võ Tấn Hoàng Văn nhận 5,2 triệu USD của SCB.
Tại phiên tòa xét xử, VKS nêu quan điểm: bị cáo Nhàn đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện tội phạm. Do có nghiệp vụ, am hiểu hoạt động thanh tra ngân hàng, che giấu khiến cơ quan chức năng khó phát hiện sai phạm. Từ đó, sau nhiều tuần tranh luận tại tòa, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Nhàn tù chung thân về tội "nhận hối lộ".
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận hành vi như cáo buộc và cảm ơn các cán bộ trại giam, công an, bác sĩ... đã điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bị cáo trong thời gian qua. Bị cáo xin tòa khoan hồng cho bản thân và các cán bộ trong đoàn thanh tra vướng vào lao lý để được sớm trở về với gia đình...