Ngoài việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan điều tra thu hồi toàn bộ số tiền hơn 365 tỉ đồng, bị cáo Hạnh chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ rà soát, kiểm tra và xử lý lại số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Thuduc House kê khai từ tháng 2.2017 - 1.2018, cho mặt hàng xuất khẩu linh kiện điện tử. Do đó đã giảm khấu trừ thuế GTGT 88 tỉ đồng và sau khi thực hiện giảm khấu trừ thì thuế phát sinh phải nộp trên 20 tỉ đồng, Thuduc House đã nộp đầy đủ ngân sách nhà nước.
"Đây là tình tiết mới ở giai đoạn phúc thẩm, là người phạm tội lập công chuộc tội. Thân chủ của tôi đã vận động người nhà khắc phục 30 triệu đồng, mong tòa ghi nhận", luật sư nêu.
Bị cáo Hạnh không có động cơ vụ lợi, thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, hiểu biết pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế từng thời kỳ. Hậu quả vụ án đã khắc phục 100%, ngân sách nhà nước không bị thất thoát. Ngoài ra, bị cáo tích cực tham gia các công tác xã hội, từ thiện.
Sau phần bào chữa của luật sư, vì lý do sức khỏe, bị cáo Hạnh xin được nói lời sau cùng trước, mong được HĐXX khoan hồng. Bị cáo cho rằng trước thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp, bị cáo và đồng nghiệp phải lăn lộn, thực hiện nhiều biện pháp chưa có tiền lệ mới tìm ra sai phạm. "Với truyền thống gia đình cách mạng, đứng trước tòa với tư cách bị cáo, đây là nỗi đau tột cùng, bị cáo thật sự không chịu nổi", bị cáo Hạnh nói.
Hôm 24.4, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa giảm án cho bị cáo Hạnh từ 6 - 12 tháng tù về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Bởi khi có cảnh báo của Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến sai phạm của Thuduc House, thì bị cáo có nhiều biện pháp để giảm bớt thiệt hại. Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM có đơn đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, cho rằng bị cáo Hạnh đã chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ (từ tháng 4.2018 - 6.2019) trái quy định nên đã tuyên phạt 4 năm tù.
Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo.