Liên quan đến vụ án, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Ngọc Dung (55 tuổi), Trần Thanh Nhã (51 tuổi) mỗi bị cáo 15 năm tù; Lê Minh Nhí (29 tuổi) và Kim Thị Huỳnh Duy (25 tuổi, cùng là nhân viên Trung tâm 66-02D) mỗi bị cáo 2 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.
Trước đó, tại phiên xét xử ngày 23 và 24.4, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Tháp đề nghị HĐXX tuyên phạt Nghĩa 17 - 18 năm tù về tội nhận hối lộ và 12 - 14 năm tù về tội giả mạo trong công tác, tổng hợp hình phạt 29 - 30 năm tù.
Theo cáo trạng, Trung tâm 66-02D trực thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi (ở xã An Nhơn, H.Châu Thành, Đồng Tháp), do bà T.T.N.T (chị ruột Nghĩa) làm giám đốc, nhưng thực tế trung tâm này do Nghĩa làm chủ đầu tư và quản lý điều hành toàn bộ hoạt động.
Nghĩa cho chủ trương các nhân viên Trung tâm 66-02D thu tiền phụ thu để bỏ qua lỗi của phương tiện đến đăng kiểm. Nghĩa thành lập nhóm viber "66-02D" để điều hành, quản lý hoạt động và phụ thu phương tiện của trung tâm. Tùy mức độ lỗi xe đến đăng kiểm mà Nghĩa và nhóm nhân viên ra giá phụ thu từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phương tiện. Đến cuối ngày, Duy, Nhí sẽ tổng hợp các khoản thu rồi nộp về công ty mẹ và Cục Đăng kiểm Việt Nam các khoản thu theo quy định. Riêng khoản tiền nhận hối lộ và các khoản phí khác thì chuyển vào tài khoản của Nghĩa.
Vào ngày 14.10.2022, lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang Trung tâm 66-02D bỏ qua lỗi cho 44 phương tiện, nhận hối lộ 18,6 triệu đồng. Theo điều tra, từ ngày khai trương (8.2.2022) đến khi bị bắt quả tang, Nghĩa và các bị cáo nêu trên đã nhận tiền phụ thu của 5.202 phương tiện không đạt chuẩn, với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình đăng kiểm, do Trung tâm 66-02D không đủ đăng kiểm viên để đăng kiểm theo quy định nên Nghĩa chủ mưu và chỉ đạo cho Nguyễn giả mạo lập khống hồ sơ đăng kiểm viên để hợp thức hóa thủ tục. Qua đó, Nghĩa và Nguyễn đã giả mạo trong công tác và làm sai lệch 3.849 hồ sơ đăng kiểm để nhận hối lộ. Trong quá trình điều tra vụ án, Nghĩa đã nộp 1,6 tỉ đồng khắc phục hậu quả.