Trong 86 bị cáo, có 85 bị cáo bị xét xử về hành vi sai phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) bị xét xử về hành vi tìm cách chiếm đoạt của bà Lan sau khi bà này bị bắt.
Theo diễn biến gần 2 tuần xét xử, từ 5.3 đến khi kết thúc phần thẩm vấn, các đồng phạm giúp sức cho bị cáo Lan rút ruột tiền của SCB trong 10 năm, từ 2012 - 2022, đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận toàn bộ, cho rằng không thao túng SCB vì không một ngày làm việc tại SCB; không chỉ đạo thành lập các công ty "ma"; không nâng khống giá trị tài sản để lấy tiền SCB, mà cho SCB mượn tài sản tái cơ cấu ngân hàng, dẫn đến "ngày hôm nay cả gia tộc mất hết tài sản" - bị cáo Lan khai.
Đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan được chia thành nhiều nhóm chính
Thứ nhất, 6 cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB: Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành (bị xét xử vắng mặt do bỏ trốn), và Bùi Anh Dũng; Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung.
Thứ hai, nhóm thành viên chính nằm trong hệ thống Vạn Thịnh Phát: Tạ Chiêu Trung (Tổng giám đốc Công ty CP tài chính Việt Vĩnh Phú), Hồ Bửu Phương (Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor), Đặng Phương Hoài Tâm (Phó trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Thứ ba, nhóm bị cáo cựu lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ở nhiều bộ phận, chi nhánh khác tại SCB ký hợp thức hồ sơ các khoản vay khống, giúp sức Trương Mỹ Lan rút tiền.
Thứ tư, nhóm các bị cáo thành lập các công "ma" để câu kết với nhân viên SCB, tạo lập các khoản vay, giúp Trương Mỹ Lan rút tiền.
Thứ năm, nhóm các bị cáo sử dụng các pháp nhân có hoạt động thật, nhưng bàn bạc, thống nhất với Trương Mỹ Lan sử dụng các pháp nhân này tạo lập hồ sơ vay khống, rút tiền của SCB cùng sử dụng.
Thứ sáu, nhóm 7 bị cáo của 5 công ty thẩm định phát hành chứng thư thẩm định nâng khống giá trị bất động sản của Trương Mỹ Lan: Công ty thẩm định giá Thiên Phú, Công ty TNHH thẩm định giá MHD, Công ty TNHH thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, Công ty CP tư vấn dịch vụ bất động sản DATC, Công ty CP thẩm định giá EXIM.
Thứ bảy, nhóm 17 bị cáo thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận tiền thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 5,2 triệu USD của bị cáo Trương Mỹ Lan và SCB để bưng bít sai phạm của SCB.
Tài sản đảm bảo cho việc thu hồi thiệt hại vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát
Theo cáo trạng, thiệt hại của SCB khoảng 498.000 tỉ đồng, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Tuy nhiên, tại tòa, đại diện SCB cho rằng thiệt hại là trên 760.000 tỉ đồng, chưa bao gồm lãi phát sinh đến thời điểm thi hành án xong.
Vậy thực tế, khả năng thu hồi thiệt hại cho SCB như thế nào, trong khi cáo trạng xác định thiệt hại 498.000 tỉ đồng là không có khả năng thu hồi, bởi hầu hết các tài sản, bất động sản của Trương Mỹ Lan và gia đình đã nâng khống, đảm bảo cho các khoản vay, rồi rút tiền của SCB.
Tại tòa, qua thẩm vấn, các luật sư đã đưa vào một số tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, cũng như gia đình để bổ sung khắc phục trong vụ án, gồm: 649 tài sản chưa được thẩm định giá vì công ty thẩm định giá cho rằng không đủ điều kiện.
Con gái bị cáo Trương Mỹ Lan gửi đơn đến tòa trình bày việc đang rao bán một số tài sản để lấy tiền khắc phục trong vụ án: tòa nhà Capital Place, và khách sạn Daewoo ở Hà Nội; bán cổ phần của bà Lan tại: Tập đoàn nhà máy sản xuất vắc xin với giá 315 tỉ đồng, cổ phần tại Công ty CP bảo hiểm FWD với giá 920 tỉ đồng; và được nhận lại 672 tỉ đồng việc chuyển nhượng không thành từ 1 dự án ở Lâm Đồng.
Ngoài ra, liên quan đến thẩm định giá lại các tài sản đảm bảo của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB cũng gây nhiều tranh cãi, khi bị cáo là các luật sư đều cho rằng giá thẩm định quá thấp so với giá thị trường, nên đề nghị HĐXX xem xét lại.