3 bị cáo trong vụ án là Tô Công Lý (40 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý; là con bị cáo Tô Hoài Dân) từ 12 - 13 năm tù; Tô Hoài Dân (63 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Công Lý) và Nguyễn Bá Đam (40 tuổi, nhân viên Công ty Công Lý).
Đề nghị án từ 7 - 8 năm tù
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ năm 2009 - 2012, 3 bị cáo trên đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ trong lĩnh vực môi trường, lập hồ sơ khống để lừa đảo, lấy 7,3 tỉ đồng tiền hỗ trợ của nhà nước.
Năm 2009, Chính phủ có Nghị định số 04, ưu đãi 50% giá trị đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý môi trường, trong đó có nhà máy xử lý rác thải. Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau do Công ty Công Lý đầu tư thuộc diện ưu đãi theo Nghị định trên.
Năm 2012, Công ty Công Lý hoàn tất hồ sơ xây dựng nhà máy rác đề nghị hỗ trợ theo nghị định 04 của Chính phủ. Tổng số tiền đầu tư dự DA là 329 tỉ đồng, nên sau đó được nhà nước hỗ trợ 50%, khoảng hơn 164,6 tỉ đồng.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định đã điều tra và kết luận trong số tiền này có 7,3 tỉ đồng được hỗ trợ trên hồ sơ khống 2 hạng mục công trình: khu tiếp nhận phân tách rác và khu xử lý nước thải.
Tại toà, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố vẫn giữ quan điểm như cáo trạng đã truy tố đối với 3 bị cáo Dân, Lý, Đam phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự.
Viện KSND nêu rõ, ông Lý có vai trò chủ mưu, chỉ đạo Đam thực hiện hồ sơ khống để quyết toán hai hạng mục công trình chưa có thật là khu tiếp nhận, phân tách rác và khu xử lý nước thải tại dự án Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau. Bị cáo Dân biết rõ không có 2 hạng mục này nhưng vẫn ký các quyết định, văn bản để giúp Lý hoàn tất các thủ tục, lừa Nhà nước chiếm đoạt ngân sách 7,3 tỉ đồng.
Do đó, Viện KSND đề nghị mức án bị cáo Lý từ 12-13 năm tù, Dân và Nguyễn Bá Đam trong vai trò đồng phạm giúp sức bị đề nghị cùng mức án 7-8 năm tù.
Kiến nghị khoan hồng
Khác với lần xét xử sơ thẩm trước vào cuối tháng 3.2024, (HĐXX tuyên trả hồ sơ), tại phiên tòa hôm nay, 3 bị cáo và các luật sư bảo vệ đề nghị HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, khoan hồng cho các bị cáo.
Đại diện cho bị hại, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau cho rằng, HĐXX nên cân nhắc toàn diện để có một phán quyết thấu lý đạt tình.
Theo ông Thánh, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau là nhà máy có công nghệ tiên tiến đang hoạt động duy nhất ở ĐBSCL. Theo số liệu từ Cục thuế tỉnh Cà Mau, hơn 10 năm hoạt động đến nay, nhà máy này lỗ hơn 200 tỉ đồng, nhưng vẫn hoạt động, đóng góp lớn trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cho tỉnh Cà Mau. Bị cáo Dân có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng Huân chương lao động, nhiều Bằng khen của Nhà nước...
Về số tiền các bị cáo bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt, ông Thánh kiến nghị HĐXX cân nhắc, có thể các bị cáo đã làm hồ sơ xin hưởng trước tiền hỗ trợ và sau đó đã thực hiện các hạng mục này. Như vậy, số tiền trên vẫn được sử dụng đầu tư vào Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.
Tranh luận tại tòa, luật sư Huỳnh Sáng đề cập vấn đề áp dụng Nghị định 04/2009 hay Luật hình sự. Theo luật sư Sáng, đến nay Nghị định 04/2009 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực. Điều 23 của Nghị định này quy định trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã khai báo không trung thực để nhận ưu đãi thì bị thu hồi, phần nào không trung thực thì thu hồi phần đó. Ngoài việc bị thu hồi còn bị buộc nộp ngân sách các khoản tiền lãi, tiền thuê đất...
Theo luật sư Sáng, Công ty Công Lý xin làm nhà máy xử lý rác từ 2008, Nghị định 04 ra đời 2009. Như vậy, mục đích làm nhà máy là không phải vì hưởng ưu đãi. Với tình tiết lỗi theo luật sư Sáng là không cố ý thì cần xem xét xử lý như quy định ở Nghị định 04/2009.
Còn theo luật sư Phạm Công Hùng, 2 hạng mục công trình bị cáo buộc khống hồ sơ hiện hữu đang tồn tại và phục vụ việc xử lý rác trong Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau. Ông cũng đưa ra nhiều chứng cứ để thuyết phục HĐXX rằng thời điểm các bị cáo làm hồ sơ quyết toán 2 hạng mục công trình trong vụ án thực tế đã có thi công, dù chưa hoàn tất, nhưng sau đó đã hoàn thành và sử dụng đến nay... Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.