Theo nội dung vụ án, vợ chồng cụ Ngô Văn H. (thông tin đã được mã hóa) sở hữu một mảnh đất kèm theo ngôi nhà gắn liền trên đất. Năm 1989, do vợ mất và dưới sự đồng ý của các con, toàn bộ số tài sản này được sang tên cho cụ H.
Năm 2000, cụ H. viết di chúc để lại cả nhà và đất cho ông A., một trong 4 người con của cụ. Đến năm 2009, do ông A. không chăm sóc cha, cụ H. đổi ý, lập di chúc khác để toàn bộ tài sản cho 3 người con còn lại.
Năm 2015, cụ H. qua đời, 3 người con làm thủ tục hưởng di sản thừa kế thì phát hiện nhà, đất đã sang tên cho ông A. từ lúc nào không hay. Họ làm đơn khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông A., yêu cầu chia di sản thừa kế đúng theo di chúc của cha.
Ngược lại, ông A. không đồng ý với đề nghị của các anh chị em, cho rằng cụ H. đã có di chúc để lại tài sản cho mình nên mới đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh T. quyết định hủy bản di chúc năm 2000 của cụ H., công nhận bản di chúc năm 2009. Tòa chia cho ông A. 1/4 giá trị nhà, đất; buộc ông thanh toán bằng tiền đối với 3/4 giá trị nhà, đất cho 3 người con còn lại; đồng thời tiếp tục được quản lý, sở hữu nhà, đất nêu trên.
Không đồng tình, cả nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo. Xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao giữ nguyên phán quyết như cấp sơ thẩm.
Ba người con tiếp tục có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND cấp cao.
Xét xử giám đốc thẩm, TAND tối cao quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, hủy cả 2 bản án, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh T. xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Thông qua vụ án trên, Viện KSND tối cao cho rằng tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã chia di sản thừa kế không đúng theo di chúc của người quá cố, vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 684 bộ luật Dân sự năm 2005.
Trước khi mất, cụ H. có lập 2 bản di chúc vào năm 2000 và năm 2009, đều được công chứng. Bản di chúc năm 2009 có nêu rõ “các bản di chúc tôi lập trước đây đều hủy bỏ”, vì vậy bản di chúc năm 2000 không còn hiệu lực.
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là 3 người con đề nghị được nhận di sản bằng hiện vật và trả công sức trông nom, quản lý di sản cho ông A. bằng giá trị của 1/4 phần nhà, đất mà cụ H. để lại.
Tòa án 2 cấp công nhận di chúc năm 2009 của cụ H. là hợp pháp nhưng lại không chia di sản theo di chúc mà giao nhà, đất trên cho vợ chồng ông A. và buộc vợ chồng ông A. trả 3/4 giá trị cho các anh chị em, là không đúng.
Viện KSND tối cao cho rằng tòa án phải công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho 3 người con và ghi nhận sự tự nguyện của họ khi thanh toán công sức trông nom, quản lý di sản cho ông A., thì mới đúng.
Ngoài ra, bản di chúc năm 2000 không còn hiệu lực nhưng năm 2016 ông A. vẫn được sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, do đó giấy này cần phải hủy bỏ.