Tang vật tạm giữ bị hư hỏng, bồi thường thế nào?

17:37 - 09/12/2024

Đối với tang vật tạm giữ là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ CSGT phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý; nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường.

Đây là nội dung được Bộ Công an nêu tại Thông tư số 73/2024 quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của CSGT, có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.

Bồi thường nếu để hư hỏng

Quy định tại Thông tư 73/2024 về cơ bản được kế thừa tại Thông tư 32/2023 đang có hiệu lực.

Theo đó, khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật hoặc phương tiện vi phạm hành chính, CSGT phải thông báo cho người vi phạm và người liên quan biết; đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ.

Trong thời hạn 24 giờ từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét ra quyết định tạm giữ. Riêng tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ CSGT phải xử lý như đã nêu.

Với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì đã rõ, vậy trường hợp phương tiện vi phạm là xe máy, ô tô… bị hư hỏng trong thời gian tạm giữ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Tang vật tạm giữ bị hư hỏng, bồi thường thế nào?

Nhiều phương tiện chất đống tại một bãi giữ xe tang vật trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7, TP.HCM)

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Trả lời cho tình huống trên, Bộ Công an viện dẫn Nghị định 138/2021, quy định về trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Nếu trong quá trình tạm giữ mà phương tiện xảy ra hư hỏng, chủ phương tiện cần liên hệ với cơ quan ra quyết định tạm giữ xe để được giải quyết.

Điều 9 Nghị định 138/2021 quy định như sau: Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.

Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ cho đến khi bàn giao cho người quản lý, bảo quản.

Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; nếu bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định.

Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; nếu bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu.

Quy trình ra sao?

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đại Hải (Công ty luật Fanci, Đoàn LS TP.Hà Nội), điều 10 Nghị định 138/2021 quy định tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ được quyền kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện. Nếu phát hiện tang vật, phương tiện bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt trong thời gian tạm giữ, các chủ thể này được quyền yêu cầu lập biên bản và bồi thường theo quy định.

Ai bồi thường, bồi thường như thế nào… sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể, như quy định đã nêu tại điều 9 của nghị định này. Lấy ví dụ ông A. bị xử phạt và tạm giữ phương tiện giao thông, cán bộ CSGT lập biên bản có trách nhiệm quản lý phương tiện đó kể từ thời điểm lập biên bản đến khi bàn giao cho bộ phận quản lý, bảo quản. Tiếp đó, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý phương tiện cho đến khi hết thời hạn tạm giữ.

Một vấn đề cần lưu ý rằng, nếu tang vật, phương tiện bị mất, hư hỏng trong thời gian tạm giữ thì trách nhiệm bồi thường trực tiếp đối với chủ sở hữu tang vật, phương tiện luôn là người ra quyết định tạm giữ.

Bởi lẽ, người ra quyết định tạm giữ có thể lựa chọn tổ chức, cá nhân phù hợp để giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. Tổ chức, cá nhân đó có thể là cơ quan thuộc nhà nước hoặc tư nhân; nhưng dù giao cho ai, nếu xảy ra hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.

"Sau khi giải quyết bồi thường cho chủ sở hữu, người ra quyết định tạm giữ có thể yêu cầu người quản lý, bảo quản bồi thường lại, nhưng đây là một quan hệ dân sự khác. Chủ sở hữu tang vật, phương tiện chỉ cần biết trách nhiệm bồi thường là của người ra quyết định tạm giữ", LS Hải phân tích.

Vẫn theo LS Hải, để có căn cứ giải quyết khi xảy ra tình huống phát sinh, cán bộ CSGT phải lập biên bản tạm giữ đối với tang vật, phương tiện vi phạm, ghi rõ tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản phải có chủ tang vật, phương tiện và người chứng kiến (nếu có) ký xác nhận, nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch.

Hết thời hạn tạm giữ, nếu phát hiện tang vật, phương tiện bị hư hỏng (ngoại trừ các yếu tố khách quan), chủ sở hữu đối chiếu với tình trạng tại thời điểm lập biên bản để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc giải quyết trách nhiệm bồi thường sẽ căn cứ vào sự thỏa thuận giữa chủ tang vật, phương tiện và người ra quyết định tạm giữ, không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa án.

Về kinh phí bồi thường, theo quy định tại luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ vi phạm (ở đây là người ra quyết định tạm giữ) thuộc về nhà nước. Sau khi nhà nước bồi thường thiệt hại, người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền tùy theo mức độ lỗi mà họ gây ra.

Chỉ nên tạm giữ khi thật sự cần thiết?

Quy định về trách nhiệm bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, cũng như nâng cao trách nhiệm công vụ của người có thẩm quyền trong việc lập biên bản, ra quyết định tạm giữ và quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. Tuy vậy, tình trạng quá tải ở các địa điểm tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm giao thông thời gian qua đã và đang gây ra những khó khăn nhất định.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng cần nghiên cứu các quy định theo hướng chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật sự cần thiết (tai nạn, có dấu hiệu tội phạm…), nhằm hạn chế tối thiểu số lượng tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Một trong những mục đích của việc tạm giữ tang vật, phương tiện là nhằm đảm bảo nghĩa vụ nộp phạt của người vi phạm. Ông Tạo nói hoàn toàn có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế. "Với mã số định danh cá nhân, chúng ta có nhiều cách để buộc người vi phạm phải nộp phạt. Có thể quy định sau mốc thời gian nhất định mà không nộp thì mức phạt sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba, như một số nước đã làm. Nếu vẫn không nộp thì yêu cầu tòa án giải quyết, ra quyết định cưỡng chế…", ông Tạo gợi ý, đồng thời kiến nghị cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng đối với địa điểm, cá nhân được giao bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Riêng về hàng hóa dễ hư hỏng, ông Tạo ủng hộ quy định của Bộ Công an, nhằm tránh gây ra thiệt hại không đáng có. "Xe chở rau củ quả, hàng đông lạnh mà vi phạm quá tải thì chỉ nên tạm giữ chiếc xe, còn hàng hóa thì phải có phương án bảo quản, hoặc cho chủ sở hữu được tiếp tục vận chuyển bằng một phương tiện khác đúng quy định", ông Tạo nói.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...