Mở đầu kỳ họp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logictics Việt Nam (VLA) cho hay trong thời gian tới, các thành viên cần hợp tác chặt chẽ hơn và theo sát tất cả các chương trình nghị sự để đảm bảo thực hiện chủ đề năm 2023: “Thúc đẩy Kinh tế và ngành Logistics trong ASEAN và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong kỷ nguyên hậu đại dịch thông qua chuyển đổi’”. Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như ngành logistics đang gặp rất nhiều khó khăn, có thể phải đến cuối năm nay khi tình hình được cải thiện.
“Các Hiệp hội, các doanh nghiệp cần nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển bền vững. Theo định hướng trên, nhóm làm việc về tính bền vững và số hóa (S&D) của Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận vận tải ASEAN sẽ bắt đầu hoạt động từ Hội nghị này”, ông Lê Duy Hiệp đề xuất.
Thông tin tại kỳ họp lần này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành logistics và các giải pháp cho ngành logictics cần chú trọng vào phục hồi, cơ hội, chuyển đổi. Cụ thể, ngành logistics toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi, vượt qua muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, xung đột và tình hình kinh tế thế giới ảm đạm. Nhờ nổ lực lớn của các hiệp hội và doanh nghiệp, ngành logistics đã hạn chế được những tác động tiêu cực và dần dần phục hồi, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 4% năm 2023 và 3% năm 2024.
“Về cơ hội, ngành logistics đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển quan trọng. Châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vào năm 2025. IMF dự báo rằng các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 70% cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023. Điều này hứa hẹn những tiềm năng to lớn cho ngành logistics ASEAN để tạo bứt phá trong thời gian tới. Kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận các cơ hội hợp tác giữa các nước ASEAN để tận dụng tối đa những tiềm năng và phát triển đột phá”, bà Hằng nói.
Về chuyển đổi, vị này cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, ngành logistics cần phải bắt kịp và thích ứng với những xu thế toàn cầu và hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tìm cách xanh hóa, số hóa, tự động hóa để quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng khu vực và chuyển đổi ngành logistics. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng trong kinh tế khu vực và đã lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“IMF dự báo rằng đến năm 2028, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trên thế giới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt kết quả vượt bậc là 8,02%. Trong Quý II/2023, GDP của Việt Nam tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trước đó. Trong bối cảnh đó, ngành logistics Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng với tốc độ từ 14-16%, đạt 8-10 tỷ USD/năm, nằm trong top 10 trong bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi của Agility”, bà Nguyễn Minh Hằng thông tin.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn. Bộ Ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, sẽ tăng cường hỗ trợ ngành logistics thực hiện sứ mệnh này và đồng hành cùng ngành logistics trên con đường phát triển.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành của SLP Việt Nam nhấn mạnh vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Theo nhìn nhận của vị này, nếu tận dụng tốt lợi thế thì tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp là có thể giảm đáng kể chi phí logistics.
Do đó, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư FDI và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu. Việc thành lập một cảng trung chuyển mới có thể tăng cường khả năng kết nối của Việt Nam với các thị trường quốc tế, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn, giảm thời gian vận chuyển và nâng cao hiệu quả tổng thể của chuỗi cung ứng. Những lợi ích này mở rộng cho cả doanh nghiệp địa phương và nhà cung cấp 3PL toàn cầu, cho phép họ cung cấp các dịch vụ hợp lý và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Edwin Chee khẳng định.
Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực logictics tại khu vực, ông Somsak Wisetruangrot, Chủ tịch Viện Đào tạo Logistics Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) cho rằng các nước ASEAN cần tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành logistics khu vực. Hiện tại đã có một số Chính phủ đang rất tích cực hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực logistics như Malaysia và Thái Lan, nhưng cũng có một số nước chưa thực sự chú trọng như Brunei.
“Vì vậy, các nước ASEAN cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tăng cường các khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics trong thời gian tới”, ông Somsak Wisetruangrot đề xuất.