GDP sáu tháng đầu năm 2023 ở mức 3,72%, không đạt như kỳ vọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48 điểm phần trăm) khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở nên rất khó khăn.
Đáng lưu ý, trong đó, các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm “khiêm tốn” ước đạt 0,44%, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đạt tốc độ giá trị tăng thêm sáu tháng mức 0,37%.
Ngành khai khoáng ghi nhận giảm 1,43%, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Do đó, nhiều ý kiến nhận định tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% cần nhiều nỗ lực trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Thậm chí, dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới còn nhận định: “Dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024”.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, nửa cuối năm, những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đến từ sáu yếu tố. Thứ nhất, đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải tăng trưởng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Thứ hai, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Thứ ba, hoạt động nông nghiệp và thủy sản tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản tăng trưởng tốt (sáu tháng đầu năm đạt gần 14 tỷ USD, chiếm gần một phần ba kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế cả nước).
Thứ tư, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo, quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023. 72,6% doanh nghiệp đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định). Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
Thứ năm, tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7/2023 là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ sáu, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, lưu ý về yếu tố đầu tiên được cho là động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn thẳng thực tế, chậm giải ngân đầu tư đã kéo dài nhiều năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện đã có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp, song theo TS. Cung, việc đầu tiên cần làm là hóa giải căn bệnh “sợ sai không dám làm”, đồng thời nên xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư công và một số luật liên quan khác để tìm ra những vướng mắc.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hoá.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cần nhân dịp này để nhận diện lại cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế thực, quan hệ nội lực và ngoại lực. Nói như TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần nhận diện nghiêm túc vấn đề thể chế, không thể cơi nới chính sách, cần có giải pháp khác thường, thực thi được, đi sâu vào cấu trúc thể chế.
“Thời điểm này, các điểm yếu đang lộ rõ hơn, dễ nhìn thấy, vì sức khoẻ nền kinh tế, doanh nghiệp đang yếu, lại phải đối diện với gió to, nhất là gió độc”, ông Thiên đặt vấn đề rất lớn, song bắt nguồn từ nhu cầu sống động của doanh nghiệp, đó là hỗ trợ gì và như thế nào.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, lãi suất bắt đầu giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, tiền vẫn trong ngân hàng. Ông Thiên cho rằng, giảm lãi suất, doanh nghiệp chỉ được giảm 0,5 – 1%, cao là 2%/năm, nhưng nếu giảm thời gian thực hiện dự án 1 năm, doanh nghiệp giảm tới 12 – 13% số tiền trả lãi vay của năm đó. Như vậy, việc giảm thời hạn thực hiện dự án có lợi và an toàn cho doanh nghiệp hơn so với việc giảm lãi suất.
“Vấn đề là cấu trúc thị trường tài chính và vận hành của bộ máy hành chính, quản lý nhà nước phải đảm bảo các dự án vận hành thông suốt. Đây là yếu tố quyết định để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu không, kể cả doanh nghiệp có năng lực rất tốt cũng không lớn được”, ông Thiên chia sẻ.
Các ý kiến cũng cho rằng việc để doanh nghiệp phát triển trên một nền tảng vững chắc thì sẽ giảm bớt sự “rung lắc” trước biến động của thị trường bên ngoài. Thực tế, Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh quý II/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho thấy, chỉ số niềm tin kinh doanh giảm nhẹ 4,5 điểm.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh cần hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Đi kèm với những thay đổi về chính sách thì những giải pháp về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới; duy trì niềm tin của nhà đầu tư… luôn là mong mỏi nhiều năm nay của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời phải tìm cách giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước…