Nguồn cung trong nước đáp ứng 70% nhu cầu
Trong báo cáo triển vọng 6 tháng năm 2023 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, sản lượng khai thác dầu thô tháng 5/2023 đạt 0,92 triệu tấn (vượt 15,6% kế hoạch tháng, tương đương cùng kỳ) và lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, khai thác dầu thô trong nước đạt 4,41 triệu tấn (tương đương 47,5% kế hoạch năm).
Sản lượng khai thác khí tháng 5/2023 đạt 0,73 tỷ m3 (vượt 24,5% kế hoạch, tăng 78,5% so với cùng kỳ) và lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, khai thác khí trong nước đạt 3,42 tỷ m3, tương đương 57,6% kế hoạch cả năm 2023.
VCBS đánh giá, nguồn cung khí đang khai thác trong nước đang bước vào giai đoạn suy giảm nhanh: Nguồn khí chính từ hệ thống Nam Côn Sơn 1 (Lô 06.1, Lô 11.2 và Lô 12W). Ngoài ra, các nguồn khí giá rẻ đang sụt giảm sản lượng, thay vào đó là các nguồn khí có giá cao như Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, PM3 – Cà Mau mua từ Malaysia.
Trong tháng 6/2023, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã thử vỉa giếng khoan Đại Hùng Nam với kết quả khả quan đạt mức khoảng 6.350 thùng/ngày và 4.5 triệu bộ khối khí/ngày. Đây là tiền để PVEP tiếp tục phát triển khai thác khu vực Lô 05.1(1) cũng như các lô khác trong khu vực bể Nam Côn Sơn.
Theo VCBS, ngồn cung xăng dầu 5 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng dù NSR xảy ra sự cố kĩ thuật trong quý I/2023 khiến sản lượng giảm mạnh, sản xuất xăng dầu trong nước (bao gồm cả Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt 6,30 triệu tấn, vượt 26,5% kế hoạch 5 tháng đầu năm 2023, bằng 56% kế hoạch năm 2023 và tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2022.
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bình quân mỗi năm khoảng 20,5 – 21 triệu m3 tấn. Nguồn cung từ sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng cả nước, 30% cầu còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước như Hàn Quốc, Malaysia,…. Bộ Công Thương dự báo nhu cầu xăng dầu năm 2023 tăng 10-15% so với năm 2022.
Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước được Bộ Tài chính điều chỉnh 8 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần không đổi. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng dầu bình quân trong quý I/2023 đã giảm 20% chủ yếu do (1) giá dầu thô thế giới trong quý I/2023 giảm 24% so với cùng kỳ; (2) Thay đổi kế hoạch nguồn cung trong nước và tăng sản lượng nhập khẩu trong thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao trong tháng 1; (3) Trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu để tạo dư địa quỹ BOG.
3 yếu tố giữ giá dầu Brent ở mức trên 80 USD/thùng
Theo dự phóng từ các nguồn tổng hợp như IEA và Goldman Sachs, VCBS kỳ vọng giá dầu Brent giữ mức trên 80 USD/thùng trong năm 2023 dựa vào các yếu tố:
Thứ nhất, nguồn cung suy giảm do số lượng các dự án thượng nguồn giảm. Ngoài ra, OPEC và các nước đồng minh quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2023. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự trước đó. Vừa qua, OPEC+ quyết định điều chỉnh tổng sản lượng dầu thô chung xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Thứ hai, cuộc chiến Nga – Ukraine: Giá dầu được nhận định vẫn nhận được lực đẩy do dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt hơn do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, trong năm 2022 EU đã cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga, đồng thời áp giá trần vào dầu Urals của Nga với mức giá US$60/thùng. Ngoài ra, ngày 5/2/2023, EU cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga.
Thứ ba, mặc dù Trung Quốc – nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) – kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự báo trong 5 tháng đầu năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 5,2%, thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Luật Dầu khí sửa đổi đã được thông qua và bắt đầu áp dụng chính thức từ 1/7/2023, trong đó bao gồm thay đổi liên quan đến cơ chế thu hút đầu tư của lĩnh vực thượng nguồn (thăm dò và khai thác khí). Cụ thể, Luật quy định hình thức đấu thầu, thuế suất; thời hạn khai thác dầu khí, và minh bạch hóa đối với các hợp đồng/dự án dầu khí thông qua công tác kế toán, kiểm toán. Đây là điểm tích cực trong bối cảnh trữ lượng khí tự nhiên đang giảm đi hằng năm, và cần nhiều dự án mới được triển khai để bù đắp.
Ngoài ra, VCBS kỳ vọng tăng trưởng các khoản đầu tư từ việc khởi động các dự án dầu khí mới. Theo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) vừa được thông qua, điện khí được ưu tiên phát triển, theo đó tỷ trọng nguồn điện khí dự kiến tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. Trong tháng 5/2023, PVS đã hoàn thành thi công kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn và bàn giao cho PV GAS. LNG được định hướng sẽ đóng góp đáng kể vào mảng điện khí theo QHĐ 8.
Cụ thể, điện khí LNG được quy hoạch sẽ đạt 22,4 GW – đóng góp gần 15% tổng sản lượng điện trong năm 2030. Các dự án dầu khí mới vừa được Chính phủ thông qua như dự án mở rộng mỏ dầu Bạch Hổ, khai thác mỏ Kình Ngư Trắng, chuỗi khai thác & phân phối điện khí Cá Voi Xanh, LNG Sơn Mỹ, Lô B – Ô Môn, Lạc Đà Vàng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng trưởng sản lượng trong nước và việc làm cho các doanh nghiệp thượng nguồn.