Nhiều diễn giả cho biết hình thức cho thuê tài chính còn thiếu hành lang pháp lý, nhiều quy định chưa rõ ràng, khiến các công ty gặp lúng túng khi cho thuê.
Dư nợ cho thuê tài chính hiện đạt gần 40.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng dư nợ nền kinh tế. Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam” sáng nay (17/7) đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này.
Điểm khác biệt lớn nhất của cho thuê tài chính là không phải bạn vay tiền để mua máy móc, mà là thuê tài sản. Ví dụ một doanh nghiệp cần tiền mua chiếc máy pha cà phê, nhưng doanh nghiệp sẽ không đến ngân hàng vay như thông thường, mà sẽ đến công ty tài chính, nói là muốn mua chiếc máy hiệu gì, có chức năng ra sao. Sau đó công ty sẽ tính toán phương án mua chiếc máy về và cho doanh nghiệp thuê lại.
Phương thức này tháo gỡ được khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là không đủ tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn. Chiếc máy chính là tài sản đảm bảo, thuộc về công ty cho thuê, sau khi hết thời gian khấu hao cho thuê mới chuyển về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều diễn giả cho biết hình thức này còn thiếu hành lang pháp lý, nhiều quy định chưa rõ ràng, khiến các công ty gặp lúng túng khi cho thuê.
Dư nợ cho thuê tài chính hiện đạt gần 40.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng dư nợ nền kinh tế. (Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)
“Những nhóm hàng kinh doanh vận tải, biển sẽ cấp theo biển xanh hay biển vàng. Ví dụ, trong thời gian cho thuê tài chính, các tài sản sẽ đứng tên công ty cho thuê tài chính, nghĩa là công ty không kinh doanh vận tải, như vậy biển cấp sẽ là biển trắng, nhưng khi đơn vị thực tế sử dụng lại là những đơn vị kinh doanh vận tải, họ lại sử dụng biển vàng. Như vậy, luật của chúng ta chưa rõ ràng với sự giao thoa giữa công ty cho thuê tài chính và đơn vị thuê tài chính thì sẽ được quy định cụ thể như thế nào”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty VietinBank Leasing, Chủ tịch Hiệp hội cho thuê Tài chính Việt Nam, nêu quan điểm.
“Trong khi các hoạt động cho vay thông thường là mối quan hệ hai bên giữa bên cho vay và bên vay, hoạt động cho thuê tài chính là quan hệ 3 bên, có 2 hợp đồng riêng biệt, một giữa bên mua và bên bán thiết bị. Hai là bên cho thuê và bên thuê. Việt Nam cần có sửa đổi trong khuôn khổ pháp lý. Ví dụ trong Bộ Luật Dân sự không có quy định cụ thể về cho thuê tài chính, còn Luật tổ chức tín dụng chỉ quy định về cấp phép và quản lý đối với các tổ chức tài chính và các quy định về công ty cho thuê tài chính không rõ ràng”, ông Jingchang Lai, chuyên gia trưởng Nhóm tư vấn các định chế tài chính, IFC, nhận định.
Hiện mới có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam. Để mở rộng hoạt động, các chuyên gia đề xuất cần mở rộng phạm vi, cho phép công ty cho vay với mục đích kinh doanh, mà không bị giới hạn bởi việc bổ sung vốn lưu động nhằm vận hành tài sản cho thuê; đồng thời cho phép thực hiện một số nghiệp vụ khác như cho vay trả góp, hay bao thanh toán…
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...