Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Diễn đàn Liên kết vùng – động lực phát huy thế mạnh địa phương và triển vọng cho tăng trưởng kinh tế, ngày 3/8.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong thời gian qua chúng ta đã có những chuyển biến tích cực về liên kết vùng. Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả, như đẩy mạnh kết nối cung cầu thông qua các Chương trình, Đề án cấp quốc gia và địa phương; Tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; Lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khác.
Liên kết yếu, chưa thu hẹp khoảng cách
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội, các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp, liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.
Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng KT-XH còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.
“Thực tế, các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết”, ông Tuấn cho biết.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.
“Ngoài ra, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa. Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa”, ông Tuấn nói.
Tổ chức lại sản xuất để thoát “lời nguyền” được mùa mất giá
TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ban Kinh tế Trung ương bình luận, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể.
“Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp”, ông Hùng nói.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, theo đánh giá của Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp ở các địa phương là hướng đi đúng đắn, trong đó không thể thiếu vai trò của HTX, nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Vũ Mạnh Hùng kiến nghị, kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp.
Chia sẻ về vai trò trong liên kết vùng, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhắc lại quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Để thoát khỏi lời nguyền được mùa rớt giá chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Để vượt qua lời nguyền thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi – trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau, trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết”.