Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu làm rõ cơ sở và giải pháp bảo đảm tính khả thi khi đề xuất phê duyệt tỷ trọng năng lượng tái tạo đến 2045 là khoảng 65-70%, chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị là khoảng 25-30%. Làm rõ cơ chế đột phá, khả thi để bảo đảm mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi.
Đánh giá về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có tiềm năng gió tốt để phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) với tổng công suất lên đến trên 500 GW (nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam công suất chỉ 2.400 MW).
Nhưng hiện nay Việt Nam chỉ mới phát triển điện gió trên bờ và khu vực ven bờ biển chưa có chính sách nào cho loại hình giàu tiềm năng này. Ngoài tiềm năng về gió, Việt Nam còn có kinh nghiệm trong việc xây dựng vận hành và khai thác dầu khí ngoài khơi. Có thể tận dụng kinh nghiệm này để xây dựng điện gió.
TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, cố vấn cấp cao về địa kĩ thuật của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) nhận xét: “Việt Nam cũng là một trong những nước khá năng động nhưng mới dừng lại ở việc lên kế hoạch ban đầu mà chưa có quy hoạch, tiêu chuẩn gì cho ngành này”.
Theo TS Khoa, bốn quốc gia ở khu vực biển Bắc là những nước rất phát triển về khoa học công nghệ nói chung và công nghệ ĐGNK nói riêng, nhưng vẫn phải hợp tác cùng nhau vì mục tiêu chung lớn hơn. Việt Nam muốn phát triển cũng phải cần có những đối tác có năng lực và tin cậy. “Để phát triển ĐGNK thì vai trò tiên phong của chính phủ là rất quan trọng để các nhà đầu tư thấy có lợi ích và tham gia”, TS Khoa nói.
TS. Đỗ Minh Thắng, Trưởng bộ phận năng lượng, Công ty Meteodyn (Pháp) cũng cho rằng, vai trò của dẫn dắt của nhà nước là rất quan trọng vì có những việc tư nhân không tham gia được. Xây dựng hệ thống lưới điện là một khâu quan trọng trong việc đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển nguồn. Cần tránh tình trạng giống như điện mặt trời gần đây; phát triển ồ ạt sau đó mới xin đấu nối, truyền tải lên lưới…
“Ở châu Âu, nhiều nước nối lưới với nhau. Điều này giúp họ chia sẻ điện cho nhau đặc biệt giữa các quốc gia khác múi giờ. Nó là một trong những nguyên nhân giúp nhiều nước mạnh mẻ cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong một vài năm tới”, TS Thắng chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam, đang ở thời điểm “chín muồi” để khởi động ngành điện gió, nếu muốn đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Một trong các thuận lợi là Việt Nam có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể huy động ngay lập tức để phục vụ việc xây dựng, thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết cho trang trại điện gió ngoài khơi. Lợi thế của điện gió ngoài khơi so với điện gió trên bờ và gần bờ, hay điện mặt trời, là diện tích không giới hạn, ít xung đột với cộng đồng địa phương.
Ông Henrik Scheinemann, đồng giám đốc điều hành của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đề nghị Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung pháp lý. Ngoài học hỏi kinh nghiệm các nước, Việt Nam cũng nên thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm nhằm xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành này.
Đồng quan điểm, ông Mark Huchinson, chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đề xuất có thể thực hiện thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi 2-3GW bằng các nguồn tài chính hỗn hợp để giảm chi phí.