Xin giảm chỉ tiêu…
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, cho biết, năm 2023, BQL Khu Kinh tế được phân bổ 613.447 triệu đồng (NSTW 200.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh 413.447 triệu đồng) để đầu tư xây dựng 07 dự án (04 dự án trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và 03 dự án trên địa bàn thị xã Đông Hòa). Nguồn vốn đầu tư được chuyển từ kế hoạch năm 2022 và đã được cấp thẩm quyền sang thực hiện năm 2023 là 429.078 triệu đồng (NSTW 305.323 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 123.755 triệu đồng).
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn bố trí năm 2023 là 1.042.525 triệu đồng. Song, để đảm bảo giải ngân nguồn vốn năm 2023, phù hợp tình hình thực tế đối với các dự án, cuối tháng 6/2023 Ban Quản lý Khu Kinh tế đã đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm 358.947 triệu đồng nguồn ngân sách tỉnh. Như vậy, tổng nguồn vốn năm 2023 sau khi xin điều chỉnh là 698.078 triệu đồng.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên đang tiếp tục rà soát để đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm kế hoạch 2023 nguồn thu tiền sử dụng đất với mức vốn khoảng 50.000 triệu đồng.
Nêu lý do giảm chỉ tiêu, ông Hùng cho rằng, hiện tại công tác giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã dẫn đến thiếu mặt bằng để giao cho nhà thầu thi công. Và việc này đã ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án và gây khó khăn cho các nhà thầu thi công vì đã tập trung nhân lực, máy móc nhưng không thể triển khai.
… vì vướng đền bù, GPMB
Liên quan tới tới việc chậm giao mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân tại các dự án đầu tư công, đại diện Tổng Công ty Thành Trung (Cty Thành Trung), cho biết: Khi triển khai dự án, nhà thầu thường phải tập trung toàn bộ nhân lực, máy móc để triển khai dự án một cách nhanh nhất mới có thể đảm bảo được tiến độ mà chủ đầu tư dự án đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề, như: khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, phương tiện vận chuyển bị hạn chế khung giờ, cấm tải, cấm giờ… đã dẫn đến nhà thầu thi công phải thực hiện vào ban đêm nên đã phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Song, theo đại diện Cty Thành Trung, nguyên nhân chính dẫn đến các dự án không đảm bảo được tiến độ vẫn chính là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Và nguyên nhân này đã dẫn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không như mong đợi, thậm chí lỗ vì thời gian thi công kéo dài.
Đơn cử, theo Cty Thành Trung, Dự án Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, đã trôi qua 5 năm, tuy nhiên, đến nay dự án này mới thực hiện xong công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng phân diện tích còn lại cho đơn vị thi công. Và tới nay thì công tác thi công cơ bản đã hoàn thành đối với 02 dự án (Dự án Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa (Giai đoạn 1) – Đợt 2 và Dự án San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 06, đoạn đường Phan Chu Trinh thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa).
Tuy nhiên, đối với 02 dự án còn lại (Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam và Dự án Khu công viên trung tâm thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa), hiện nay Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên vẫn đang tiếp tục phối hợp UBND thành phố Tuy Hòa hoàn tất phương án bồi thường, tiến hành chi trả và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án. Theo dự kiến, chủ đầu tư sẽ bàn giao mặt bàng cho nhà thầu trong quý III, chậm nhất là trong quý IV/2023. Như vậy, đây chính là nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ và ảnh hưởng khá lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, đại diện Cty Thành Trung nêu.