Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2023, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2023”. Cùng với đó, tạo cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác; tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường.
Song song, hội nghị cũng bàn cách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với hệ thống phân phối nước ngoài. Qua đó, góp phần khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, nhất là những thị trường là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Là địa phương tổ chức Hội nghị, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng đánh giá trong 02 năm 2021, 2022 mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường thế giới đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng. Tại Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Đà Nẵng năm 2021 tăng 14,1% so với năm 2020, năm 2022 tăng 17,9% so với năm 2021.
“Bước sang 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới liên tục biến động, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng… Kim ngạch xuất nhập khẩu của hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều thách thức trong đó có việc duy trì đơn hàng xuất khẩu, tìm kiếm đối tác…. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế”, bà Phương nói.
Đánh giá về tình thị trường Châu Á – Châu Phi, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng các doanh nghiệp hiện nay đang có nhiều cơ hội xuất nhập khẩu khi Trung Quốc mở cửa trở lại, việc tiếp cận các thị trường Hồng Kông, Đài Loan khá dễ dàng cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc còn nhiều dư địa. Với việc xuất khẩu, ông Sơn cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tạo áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp vẫn chưa thể thâm nhập sâu, bền vững vào thị trường Trung Quốc, các hàng nông sản bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị cạnh tranh gay gắt với hàng hoá từ các nước lân cận, chi phí vận chuyển tăng cao,…
Theo ông Sơn, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, cần đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ,…
“Đặc biệt, doanh nghiệp nên lưu ý đến những yêu cầu về tiêu dùng xanh, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và hơn hết là quan tâm, nghiên cứu thị trường mới, tiềm năng”, ông Tô Ngọc Sơn khuyến nghị.
Về thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay từ năm 1991 – 2022, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng từ 272 triệu USD lên 176 tỷ USD năm 2022 (tăng 646 lần). Theo vị này, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004 đến nay và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 1 của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 6 trên toàn cầu (năm 2022).
“Về tiềm năng của thị trường này, đây là Quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ), chiếm hơn 18% tỷ trọng GDP toàn cầu, dân số trên 1,4 tỷ người, với quy mô thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 trên thế giới, đạt khoảng 6,54 nghìn tỷ USD. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người đạt gần 5.500 USD; số người có thu nhập trung bình lên đến 400 triệu người. Kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu, thặng dư thương mại lớn (năm 2022 đạt 877 tỷ USD). Nhu cầu lớn đối với nhóm hàng nông sản, nhập khẩu năm 2022 đạt 236 tỷ USD, nhập siêu 137,8 tỷ USD”, ông Lai thông tin.
Bàn về những thuận lợi để tiếp cận thị trường này, ông Nông Đức Lai cho rằng doanh nghiệp Việt Nbam đang có ưu đãi thuế quan trong trong các hiệp định tự do thương mại (ACFTA, RCEP), chính sách khuyến khích nhập khẩu của Trung Quốc, lợi thế về địa lý và hình thức thương mại đa dạng,… Ngoài ra, Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh, Trung Quốc cũng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam…, nhiều sản phẩm đã chiếm thị phần cao trên thị trường.
“Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm & kiểm dịch động thực vật ngày càng được tăng cường, nghiêm ngặt hơn, doanh nghiệp phải cạnh tranh với các nước tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với chính hàng hóa của nước sở tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản, Khó tiếp cận hệ thống phân phối, bán lẻ lớn và thiếu thông tin thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước nhập khẩu”, ông Lai nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của các thị trường, tích cực quảng bá, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách, quy định xuất nhập khẩu… và xu thế, nhu cầu của thị trường qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt, mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tình ràng buộc cao.
Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2023 khai mạc tối ngày 03/8, thu hút hơn 300 gian hàng (quy đổi) của hơn 150 doanh nghiệp, gồm 33 đơn vị Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại/Xúc tiến đầu tư – Du lịch và doanh nghiệp của các tỉnh, thành với tổng số 283 gian hàng. Trong đó, có 9 tổ chức quốc tế tham gia với 27 gian hàng gồm Sở Công Thương các tỉnh: Attapue, Champasak, Sekong, Salavan, Savannakhet, Khammouan (CHDCND Lào); Đại sứ quán các nước Myanmar; Philippines; Indonesia; Canada; Hungary tại Việt Nam; Tổng Lãnh sự quán các nước tại Đà Nẵng: CHND Trung Hoa; Hàn Quốc; Thành phố Uiwang, Hàn Quốc; Các doanh nghiệp Thái Lan. Sản phẩm, hàng hóa được giới thiệu, trưng bày tại Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2023 chủ yếu là các mặt hàng điện, điện tử, thiết bị công nghệ; đồ gia dụng, đồ gỗ, trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; các sản phẩm tiêu dùng như: thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thời trang, dược phẩm, hóa mỹ phẩm; dịch vụ du lịch, logistics, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Ngoài các gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước và 9 tổ chức quốc tế, Hội chợ lần này còn có Khu triển lãm giới thiệu về công nghiệp, thương mại, đầu tư và du lịch của thành phố Đà Nẵng. |