Trao đổi với DĐDN, ông Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, tín chỉ carbon là mặt hàng mới, được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính. Thị trường giao dịch carbon sớm được hình thành góp phần thúc đẩy hành trình Net Zero, tăng khả năng tiếp cận cơ hội tài chính xanh.
– Nhiều địa phương và doanh nghiệp tại Việt Nam đang mong đợi những cơ chế, chính sách pháp lý đầy đủ mở đường cho việc thương mại hoá tín chỉ carbon, thưa ông?
Tín chỉ carbon được xem như chứng nhận có thể giao dịch thương mại thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc tương đương. Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh khi mà nhiều quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ, nhất là tại COP26 về việc cắt giảm khí nhà kính, giảm phát thải hướng tới thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trên thị trường tín chỉ carbon, các quốc gia dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã có kế hoạch hoặc triển khai áp dụng công cụ định giá carbon. Nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến hơn 40 tỷ USD vào năm 2019. Tại Việt Nam, dự tính khoảng 57 triệu tín chỉ carbon có thể được giao dịch và mang về hàng trăm triệu USD. Đây là nguồn tài chính xanh rất lớn có thể được bổ sung cho nền kinh tế.
Theo quy định, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được thực hiện thí điểm vào năm 2025. Tuy nhiên, thời gian qua, thông qua thoả thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta đã chuyển nhượng hơn 10,3 triệu tấn CO2 với tổng giá trị lên đến hơn 51 triệu USD.
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon tại Việt Nam?
Tín chỉ carbon có thể tạo ra từ một số nguồn khác nhau nhưng tại Việt Nam, thời điểm hiện nay cơ hội nhiều nhất tập trung ở ngành lâm nghiệp. Đây là lĩnh vực đang nắm giữ lượng tín chỉ carbon khổng lồ từ rừng. Các quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều. Hai khu vực còn có diện tích rừng lớn nhất toàn cầu là Mỹ La tinh và Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm và cơ hội mang lại nguồn thu cho Việt Nam rất lớn.
Chúng ta có 3/4 diện tích là rừng, tỷ lệ che phủ rừng khá cao (khoảng 42%) so với trung bình thế giới (khoảng 31%). Chúng tôi tính toán, trồng một số loại nông sản hay các loại cây trên đất rừng chỉ cho thu nhập bình quân khoảng 75 triệu đồng/ha/năm, nhưng nếu làm phát thải carbon có thể đạt sản lượng 150 tấn carbon/năm, có thể mang về nguồn thu này lớn hơn nhiều so với làm dịch vụ môi trường rừng hiện có. Một số khu vực sinh quyển tốt như Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) chẳng hạn, có những vùng rừng đạt tới 196 tấn carbon/năm. Đặc biệt ở những vùng rừng nguyên sinh có sinh quyển đa dạng như chỉ có cây bản địa, có nhiều muông thú, không trồng cây ngoại lai hoặc những vùng rừng sinh quyển đa dạng tạo sinh kế, việc làm cho người dân sẽ bán được tín chỉ carbon với giá cao hơn, nhất là khách hàng từ Liên minh châu Âu luôn đề cao việc thực hành ESG, phát triển xã hội và môi trường bền vững.
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát triển những rừng sinh quyển đa dạng như vậy. Không chỉ mang lại giá trị cho môi trường sinh thái, rừng sinh quyển đa dạng còn mang lại giá trị lớn cho xã hội và có thể chuyển nhượng tín chỉ carbon với giá tốt. Cách đây hơn 20 năm, chúng tôi đã từng thành công trong việc đưa vùng rừng nghèo ở Hà Tĩnh thành khu sinh quyển đa dạng sinh học và bước đầu có giao dịch tín chỉ carbon với đối tác quốc tế.
– Nguồn lực xanh từ giao dịch chuyển nhượng tín chỉ carbon có ý nghĩa như thế nào trong nền kinh tế được định hướng ưu tiên phát triển theo hướng bền vững, tuần hoàn giai đoạn tới, thưa ông?
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cập mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây. Thực hiện chuyển đổi này, nền kinh tế và các doanh nghiệp cần nguồn lực lớn. Tuy nhiên, hiện các nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn như trái phiếu doanh nghiệp mới có dấu hiệu hồi phục; cổ phiếu xanh chưa có nên có thể xem xét sử dụng công cụ tín chỉ carbon. Chúng ta có thể đăng ký công khai các tín chỉ carbon này trên sàn quốc tế và dùng làm tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, trong đó có tín dụng xanh.
– Theo ông, những cơ chế, chính sách nào cần được quan tâm thực hiện để thúc đẩy môi trường kinh doanh tín chỉ carbon?
Thị trường thí điểm tín chỉ carbon gắn liền với việc phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn. Chính phủ đã quy định danh mục cơ sở, lĩnh vực thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố sổ tay hướng dẫn kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính đối với các công ty niêm yết. Tuy nhiên, việc công bố thông tin chưa có tính chất ràng buộc, thiên về hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu báo cáo. Việc minh bạch thông tin phải mang tính chất bắt buộc. Báo cáo về phát thải nhà kính cần được xem là bản báo cáo bắt buộc công bố định kỳ bên cạnh bản báo cáo tài chính. Bên cạnh đó phải có thuế carbon và chính sách tài chính hỗ trợ rõ ràng, cụ thể, trong đó cần làm rõ chính sách hỗ trợ trực tiếp như cách mà nước Mỹ đang áp dụng hoặc tài trợ gián tiếp.
– Xin cảm ơn ông!