Việc xếp hạng tín nhiệm có thể giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ hơn, huy động được nguồn vốn với lãi suất tốt hơn.
Việc xếp hạng tín nhiệm có thể giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ hơn, huy động được nguồn vốn với lãi suất tốt hơn bởi nó giúp minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn nhiều thách thức.
Sau hơn chục năm, đến nay mới có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam. Hoạt động của các công ty này còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp vẫn còn chưa quan tâm đúng mức tới phương pháp này.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Quang Huân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FiinRatings: “Khó khăn xuất phát từ nhiều phía. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm phải thuyết phục được nhà đầu tư sử dụng xếp hạng tín nhiệm, và cái đấy là khó khăn lớn nhất. Muốn như vậy thì phải có uy tín và cung cấp thông tin rất là sâu. Tiếp theo là về phía doanh nghiệp thì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng do đặc thù, do tình trạng, do chiến lực vốn của họ. Và đương nhiên 1 phần cũng là chi phí, lợi ích họ chưa thấy rõ giữa việc có xếp hạng tín nhiệm để có lợi ích trong việc huy động vốn rẻ hơn với kì hạn dài hơn so với phí bỏ ra”.
“Yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm nói riêng và tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp nói chung là yếu tố vô cùng quan trọng . Không chỉ yêu cầu trong 1 lúc mà là cả 1 quá trình hình thành văn hoá và hình ảnh về tính chuyên nghiệp và minh bạch của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường vốn tốt hơn với chi phí vốn thấp hơn, với thời gian tiếp cận vốn ngắn hơn, quy mô vốn lớn hơn”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho biết.
Hiện vẫn chưa có quy định yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, và các phương pháp để quản lý các công ty xếp hạng tín nhiệm. Do đó, các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình. Để lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm phát triển, theo các chuyên gia, cần có cơ chế khuyến khích các bên tham gia.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên phó Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước: “Thay đổi tư duy và tiếp cận cách minh bạch hơn. Thứ hai là Nhà nước cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt là chi phí xếp hạng tín nhiệm, hoặc khuyến khích phát triển sự xếp hạng tín nhiệm. Tất cả quy định của pháp luật phải có lộ trình và bước đi để quy định tiến tới câu chuyện phát hành tín phiếu hoặc vay trái phiếu xanh, các tổ chức quốc tế phải được xếp hạng tín nhiệm”.
Khác với báo cáo tài chính, đánh giá về kết quả kinh doanh đã qua, Xếp hạng tín nhiệm đánh giá khả năng tạo dòng tiền, uy tín trả nợ trong tương lai của doanh nghiệp. Vì thế, việc phát triển xếp hạng tín nhiệm được xem là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư ra quyết định góp vốn, qua đó cũng phát triển được thị trường vốn bền vững hơn.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...