Ngày 3/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện khẩn về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.
Dự kiến EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Để chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng và hướng dẫn của bộ về IUU.
Trong đó, các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá (số lượng chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoặc hết hạn, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS…) để sàng lọc, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu. Xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt các tàu cá “3 không”.
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu cá xuất/nhập bến tại các đồn/trạm biên phòng và thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện, đặc biệt là tàu cá không tuân thủ quy định về VMS tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Thực hiện xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo tính pháp lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khai thác để chế biến, xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về hành chính, hình sự đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ lô hàng xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp cũng giao Cục Kiểm ngư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan của các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao… tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các nước sở tại bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam để nắm bắt tình hình và điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp…
Bình luận về việc gỡ thẻ vàng IUU, PGS,TS. Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng Khoa Luật Kinh tế Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc Gia TP.HCM cho rằng, ngư dân là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU. Khi hiểu được hậu quả của IUU, ngư dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
“Tuy nhiên, đến nay tình trạng ngư dân đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vẫn còn. Việc tháo, ngắt, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn diễn ra, khai thác bằng ngư cụ bị cấm, tàu cá hoạt động nhưng không đăng ký vẫn còn… Do đó, đến tháng 6/2023 chúng ta vẫn chưa tháo gỡ được thẻ vàng do Ủy ban châu Âu áp đặt”, ông Phước nói.
Việc ngành thủy sản Việt Nam bị Liên minh châu Âu “cảnh báo thẻ vàng” đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cả về đời sống, sinh kế của ngư dân, như giảm hoặc mất thu nhập, mất việc làm, phá sản, vỡ nợ… cuộc sống khó khăn. Tỉ trọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Liên minh châu Âu sụt giảm, uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thủy sản quốc tế nói chung và thị trường Liên minh châu Âu nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trên thực tế, từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU tỉ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm dần qua từng năm. Theo thống kê của VASEP, năm 2018 – năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang EU chiếm 11,8%, năm 2019 giảm còn 10,7%, năm 2020 còn 9,5% và năm 2022 là 9,4%. Xuất khẩu hải sản suy giảm đã kéo theo tỉ trọng xuất khẩu thủy sản nói chung của VN sang EU giảm theo, từ 13,1% (năm 2018) còn 11,9% (năm 2022).
Vẫn theo PGS,TS. Ngô Hữu Phước, thực tiễn và kinh nghiệm phòng, chống và tháo gỡ thẻ vàng, thẻ đỏ do Liên minh châu Âu áp đặt của các quốc gia trong khu vực và thế giới đã cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đánh bắt thủy sản cho ngư dân là giải pháp bền vững, hiệu quả và nhân văn nhất. “Bởi, ngư dân là lực lượng, là chủ thể, là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU”, ông Phước bày tỏ.