Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA), dừa là loại cây trồng truyền thống, có mặt hầu hết trên khắp mọi miền đất nước với gần 200.000 ha, xếp thứ 5 thế giới. Hiện tại, đây đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa (bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ…) năm 2022 của nước ta đạt khoảng 940 triệu USD.

Trong những tháng đầu năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn nên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dừa sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, trong quý 2 và 3/2023, ngành dừa đón nhận nhiều tin vui.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam (VCA) cho biết, trong tháng 9, Việt Nam tăng cường xuất khẩu nước dừa vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư mà hai nước đã ký kết. Từ quý II/2023 trái dừa Việt Nam được xuất chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Đây là những cơ hội lớn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu dừa của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành dừa hướng đến mục tiêu xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Việt Nam tăng cường xuất khẩu nước dừa vào thị trường Trung Quốc 

Với thị trường mới này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu chưa thật sự ổn định, chính vì thế, khi các thị trường nước ngoài mở cửa, chúng ta phải có những chính sách về sản xuất, chiến lược phát triển cũng như về giá cả.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa của nước ta năm 2023 có thể tiệm cận 1 tỷ USD và năm 2024 có thể vượt con số 1 tỷ USD.

Ngành dừa hướng đến mục tiêu xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh

Để đạt con số trên, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường. Cùng với đó, ngành dừa cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành “Bản đồ dừa” trên cả nước để làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển.

Ngoài ra ngành dừa ngành còn thực hiện mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện giao thương trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, tiếp cận máy móc, công nghệ mới…, tiến tới nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa và xuất khẩu bền vững.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, mục tiêu lớn nhất của Hiệp hội Dừa Việt Nam là đưa ngành dừa trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn; khai thác tối đa hiệu quả nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ cây dừa.

Do đó, bà Thanh cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành bản đồ dừa trên cả nước làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển.

Mục tiêu lớn nhất của Hiệp hội Dừa Việt Nam là đưa ngành dừa trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn; khai thác tối đa hiệu quả nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ cây dừa. “Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ đồng hành cùng nông dân trồng dừa trong canh tác, thu hoạch, chế biến nhằm góp phần bình ổn giá dừa. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước”, bà Thanh khẳng định.

Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, xây dựng vùng trồng. Nhiều trang trại ngành dừa có diện tích trên 100 hecta để trồng dừa chuyên canh, đặc biệt là các tỉnh mới như Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bình Định. Hướng tới mục tiêu xây dựng cây dừa thành cây chủ lực quốc gia trong thời gian tới.

Ông Cao Bá Đăng Khoa – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng chia sẻ, tuy ngành dừa đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, song vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức trong việc đầu tư vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khi chưa có những chính sách liên kết vùng cụ thể để xây dựng dự án.

Trong đó có một số vấn đề còn bất cập cần được quan tâm đề xuất hiện nay là chưa có văn bản nào của ngành chức năng quy định về các loại dừa uống nước hay là loại dừa nguyên liệu để ưu tiên xuất khẩu trong thời gian tới, chưa có một mã ngành cụ thể để các ngành hữu quan khuyến khích tạo đòn bẩy về hành chính, thể chế, ưu đãi về thuế cho loại dừa nào nên xuất khẩu, loại dừa nào hạn chế xuất khẩu dành lại làm nguyên liệu cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Gỗ dừa cũng chưa được phân loại vào nhóm ngành cụ thể, chưa được cấp mã ngành để sản xuất lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, đây là những ngành có giá trị rất cao nhưng thiếu giá trị kinh tế, thiếu chỗ đứng trên thị trường hiện nay.