Bà Audrey Cheong đánh giá tín hiệu lạc quan về nền kinh tế, cũng như ngành giao vận hàng không tại thị trường Đông Nam Á. Bà cho rằng, Đông Nam Á đang từng bước thể hiện tiềm năng to lớn và đóng vai trò then chốt trong thương mại toàn cầu. Có thể nói, Đông Nam Á là một cộng đồng kinh tế “siêu cường”. Với tổng dân số hơn 688 triệu người và tổng GDP hơn 3,8 nghìn tỷ USD, Đông Nam Á giờ đây là nền kinh tế lớn thứ 3 tại Châu Á và đứng thứ 5 trên toàn cầu.
Bà kỳ vọng, những chuyến bay mới sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không đang ngày càng tăng cao. Dự kiến lượng hàng hóa qua đường hàng không tại Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 8,5 triệu tấn và vượt qua con số 9,5 triệu tấn vào năm 2026, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 4,5% – vượt qua tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu là 4%.
“Chúng tôi có kỳ vọng rất lớn vào khu vực này, đặc biệt là tại Việt Nam, bởi tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Việt Nam được dự đoán là quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2024 với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Mức tăng trưởng này sẽ đưa GDP của Việt Nam từ 4,6% năm nay lên 5,8% năm sau và là thị trường phát triển nhanh thứ 2 trong năm tới”, bà Audrey Cheong nhận định.
Bà Audrey Cheong cho rằng, sự tăng trưởng đáng chú ý này là kết quả của tầng lớp trung lưu đang phát triển và việc mở rộng ngành sản xuất công nghiệp, trong đó, Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đặt nhà máy sản xuất chính của họ tại đây.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với thương mại điện tử – lĩnh vực đang phát triển như vũ bão nhờ công nghệ tân tiến và sự thay đổi của hành vi của người tiêu dùng. Quy mô của thương mại điện tử tại Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt mốc 762 triệu USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm rơi vào khoảng 20%.
“Từ năm 2019, đã có hơn 5 triệu đơn hàng được thực hiện mỗi ngày, cho thấy Đông Nam Á là một “mỏ vàng” hấp dẫn để các doanh nghiệp có thể vươn lên trong thời đại số”, bà Audrey Cheong đánh giá.
Đồng quan điểm, bà Ee-Hui Tan – Giám đốc khai thác của FedEx Express tại Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng, Việt Nam có quan hệ hợp tác thương mại chặt chẽ với nhiều quốc gia Châu Á và Châu Âu. Nếu tính trên đơn vị khối lượng là tấn, mét thì 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sẽ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), còn tại Châu Âu là các nước Hà Lan, Đức, Vương Quốc Anh, Pháp và Ý.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước Châu Á và Châu Âu bao gồm các sản phẩm điện tử công nghệ cao, mặt hàng thời trang, phụ tùng máy móc, nguyên liệu thô, hàng tiêu dùng công nghiệp và thực phẩm.
“Sự khác biệt duy nhất nằm ở mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ 5. Với các nước Châu Á, đây chính là là các thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí, còn ở Châu Âu là các sản phẩm cá nhân và mặt hàng gia dụng”, bà Ee-Hui Tan đánh giá.
Dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFF), bà Ee-Hui Tan cho biết, chỉ số GDP theo sức mua tương đương của Việt Nam xếp thứ 25 trên toàn thế giới trong năm 2022, chỉ đứng sau những quốc gia như Úc và Ba Lan. Đến năm 2028, ước tính nền kinh tế Việt Nam sẽ lọt vào top 20 toàn cầu, đạt quy mô ước tính 2,21 nghìn tỷ USD.
Về tăng trưởng GDP, bà Ee-Hui Tan nhận định, Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4,7% trước cuối năm nay. Đây là một con số đáng chú ý khi vượt qua mức tăng trưởng GDP 4,6% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức tăng trưởng GDP 3% của toàn cầu.
Đồng thời, bà cũng dự đoán, nhu cầu giao vận tăng cao từ các ngành sản xuất yêu cầu năng lực vận chuyển cao hơn và thời gian vận chuyển nhanh hơn như công nghệ cao, chất bán dẫn, dệt may.
Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm thêm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua xuất nhập khẩu.
Do đó, bà cho rằng, 4 chuyến bay mới của FedEx kết nối trực tiếp TP.HCM với trung tâm vận tải hàng không ở sân bay Quảng Châu, Trung Quốc vào tối thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp cận với các thị trường trong khu vực Châu Á, cũng như Châu Âu, khi thời gian giao hàng được rút ngắn xuống một ngày làm việc.
“Các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu sẽ là những bên nhận được nhiều lợi ích nhất, bởi vì các chuyến bay mới sẽ kết nối giao thương nhanh hơn, trực tiếp hơn để tiếp cận được nhiều thị trường rộng lớn thông qua trung tâm vận tải hàng không của FedEx Châu Á – Thái Bình Dương. Lợi ích này mang đến thế mạnh cạnh tranh rõ ràng cho các doanh nghiệp khi đảm bảo việc vận chuyển chính xác cho các lỗ hàng đến và đi từ các quốc gia thuộc khu vực AMEA và Châu Âu”, bà Ee-Hui Tan chia sẻ thêm.