Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Nghịch lý “vốn chờ dự án” và “có tiền không tiêu hết”

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 tuy khá hơn cùng kỳ, song vẫn chậm hơn nhiều so với kế hoạch khi mới chỉ đạt hơn 51,38%; số vốn giải ngân của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là hơn 49.470 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 dù đã cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.

Đến nay vẫn còn hơn 53.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư… khiến “vốn vẫn phải chờ dự án”.

Nghịch lý “có tiền nhưng không tiêu hết” không phải là câu chuyện mới mẻ. Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm.

Trong đó, còn tới 42 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Khả năng giải ngân 95% của hơn 711.000 tỷ đồng năm 2023 là khó khả thi, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ trong những tháng còn lại.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự kiến có khoảng 376 dự án sẽ chuyển tiếp thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Lý do vì khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn. Dự kiến kế hoạch vốn năm 2024 là 225.000 tỷ đồng.

Về hạn chế – khó khăn, Bộ trưởng Dũng cho biết xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… gây ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công.

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với các năm trước đó, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chính phủ đã yêu cầu một số bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ với số lượng lớn phải giải trình rất nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết.

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án.

Việc công bố các vật liệu xây dựng cần phải kịp thời, sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) kiến nghị cần khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.