Quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp không thể thiếu đi sự đồng hành, sát cánh của báo chí, đặc biệt là Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN) trong công cuộc thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Như Thức – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom holdings tới DĐDN. Theo ông Thức, nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn cần những người bạn đồng hành, chia sẻ những khó khăn vướng mắc, phản biện tâm tư nguyện vọng, đề xuất phương án tháo gỡ các “nắt thút” từ chính sách, thủ tục hành chính, giúp kiến tạo môi trường đầu tư cạnh tranh và minh bạch.
– Ông đánh giá ra sao về vai trò cầu nối của DĐDN giữa doanh nghiệp, đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước?
DĐDN là cầu nối quan trọng để cộng đồng các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như Hacom Holdings khi bày tỏ các quan điểm, nguyện vọng và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng xanh sạch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, DĐDN cũng là nơi cho chúng tôi gửi gắm cơ hội phản ánh thực tế quá trình phát triển dự án NLTT, các khó khăn vướng mắc từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng như của nhà đầu tư. Từ đó Tòa soạn có tài liệu thực tiễn để thông tin, phản biện đề xuất các giải pháp nhằm cùng nhau tháo gỡ, giải quyết vấn đề một cách hài hòa, mang tính xây dựng vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, DĐDN là đơn vị đã tổ chức nhiều Cuộc bình chọn dự án NLTT tiêu biểu trong nhiều năm qua. Bản thân Hacom Holdings cũng đã vinh dự có dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) được chọn là Top 10 dự án NLTT tiêu biểu năm 2022. Danh hiệu do DĐDN tổ chức và Hội đồng khoa học có chuyên môn cao bình chọn, trao tặng.
– Thời gian tới ông có kỳ vọng như thế nào vào DĐDN nói riêng và VCCI nói chung?
Tôi mong muốn trong giai đoạn tới, DĐDN, VCCI tiếp tục phát huy vai trò của mình, là cầu nối vững chắc quan trọng giữa Nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý chính sách. Trong đó, VCCI cần phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời các đề xuất, nguyện vọng cũng như khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp tới chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành, thực thi chính sách phát triển NLTT.
Khi vấn đề được toàn xã hội quan tâm thông qua kênh truyền thông của DĐDN, VCCI tập trung các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư phản ánh tới các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau thảo luận và tìm ra tiếng nói chung, giải quyết một cách hài hòa và đảm bảo lợi ích chung.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings rất vinh dự và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn quá trình phát triển dự án NLTT của mình trong thời gian tới trên kênh thông tin của DĐDN với mong muốn được đóng góp các đề xuất phát triển lĩnh vực NLTT vì nguồn điện xanh sạch và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của đất nước vào năm 2050.
– Từ thực tiễn xây dựng và phát triển của Hacom, ông có những trăn trở nào về mảng đầu tư NLTT cần chia sẻ?
Hacom Holdings là doanh nghiệp tiên phong phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa các dự án điện NLTT của mình vận hành. Trong quá trình đó, chúng tôi thấy rằng điều nhà đầu tư NLTT cần nhất là một chính sách dài hạn liên tục, đồng bộ, nhất quán và phản ánh được kỳ vọng của các nhà đầu tư một cách hài hòa, hợp lý. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách của các cơ quan quản lý các cấp, chính quyền địa phương cần phải công bằng, minh bạch, tích cực hỗ trợ và bám sát tình hình thực tế.
Theo Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, các dự án điện mặt trời nối lưới mới cơ bản sẽ được lùi thời hạn triển khai đến sau năm 2030. Từ bây giờ đến lúc đó là 7-8 năm, sự ngắt quãng này của chính sách điện mặt trời ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, gần đây dư luận sôi nổi bàn về một số dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đang hưởng giá FIT chưa đúng do lỗi trong quá trình tham mưu, ban hành Quyết định của Chính phủ. Rõ ràng, đa số các nhà đầu tư các dự án này đều có hồ sơ pháp lý dự án tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã được Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định, phê duyệt. Như vậy, việc giải quyết sai sót này cần xem xét nguyên nhân gốc rễ là từ trách nhiệm của cơ quan tham mưu.
Các biện pháp giải quyết cần tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư nếu sai sót không phải từ phía họ, đồng thời tránh làm giảm tín nhiệm của nhà đầu tư quốc tế, bên cấp vốn đối với môi trường chính sách đầu tư tại Việt Nam, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư lĩnh vực NLTT.
– Xin cảm ơn ông!