Thế lưỡng nan
Nhưng, như đã được dự báo trước, kết quả chuyến đi gần như chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc giải quyết các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, nên Washington khó có thể xuống thang trong quan hệ với Bắc Kinh. Chính vì thế, quan hệ Mỹ - Trung càng ẩn chứa nhiều rủi ro, thậm chí xung đột thương mại giữa hai bên tăng cao, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy trong khu vực.
Mới đây, Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's - một trong 3 đơn vị đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, đã đưa ra đánh giá về mức độ ảnh hưởng của sự phân rẽ kinh tế Mỹ - Trung đối với các nền kinh tế APAC.
Theo đó, các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ là điểm đến cuối cùng của hầu hết hàng hóa được sản xuất trong khu vực. Ngược lại, Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chính và là thị trường ngày càng quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất trong khu vực. Vì thế, nếu có bất cứ sự thay đổi nào ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc thì các nền kinh tế khu vực đều bị ảnh hưởng. Hiện nay, sự phân tách Mỹ -Trung và động lực tăng trưởng thay đổi ở Trung Quốc là những rủi ro chính đối với khu vực.
Nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng
Theo báo cáo trên, mức độ xuất khẩu của APAC sang Trung Quốc cao nhất ở các mặt hàng điện tử, máy móc và hàng hóa. Các nhà sản xuất điện tử ở Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam và Philippines phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc. Các nhà sản xuất máy móc ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng hóa điện tử và máy móc rất dễ bị tổn thương trước những gián đoạn địa chính trị, đặc biệt là những ngành liên quan ngành bán dẫn. Những năm gần đây, Mỹ đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến và máy móc sản xuất chip sang Trung Quốc. Mỹ muốn Hàn Quốc đi theo sự dẫn dắt của họ và hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Còn Nhật Bản đang hợp tác với Mỹ và Hà Lan để hạn chế xuất khẩu các phương tiện sản xuất chip sang Trung Quốc.
Đối với hàng nông sản, đá, khoáng sản và kim loại, khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc cao nhất đối với các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình như Myanmar, Lào, Indonesia, Malaysia, và cả các nền kinh tế phát triển như Úc và New Zealand. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiếm gần 25% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand. Đối với Úc, hơn 2/3 lượng đá, khoáng sản và kim loại xuất khẩu là sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù không bị ảnh hưởng do phân rẽ kinh tế Mỹ - Trung, nhưng việc thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gặp khó khăn, việc xuất khẩu quặng sắt, than đá và các mặt hàng khác vào nước này cũng gặp khó khăn.
Ngược lại, khả năng xuất khẩu sang Mỹ nghiêng về hàng hóa thành phẩm. Các nền kinh tế như Campuchia và Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Đồng thời, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử và máy móc sang Mỹ.
Khi kinh tế Mỹ - Trung phân cực và các xung khắc địa chính trị căng thẳng hơn, thì đây là những ngành có thể bị tổn thương.
Khi Trung Quốc tự chủ về ô tô
Khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản là ô tô đi vào thị trường Mỹ. Con số này với Hàn Quốc là 4%. Trong khi đó, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc hầu như không xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc. Thực tế vừa nêu nhấn mạnh cả vai trò truyền thống của Mỹ là điểm đến cho hàng hóa sản xuất của châu Á và Trung Quốc sản xuất hầu hết ô tô cho nhu cầu nội địa của nước này. Trung Quốc cũng đang chạy đua để trở thành nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.
Khi Trung Quốc thoát khỏi tăng trưởng dựa vào đầu tư, các nhà hoạch định chính sách đang dựa vào tăng trưởng từ sản xuất và xuất khẩu - được phản ánh rõ nhất qua sự gia tăng mạnh mẽ của sản xuất ô tô điện. Với việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng mua xe điện sản xuất trong nước, họ mua ít xe hơn từ các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự thay đổi cơ cấu này cho thấy rằng ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc, sẽ không có nhiều xe Nhật và Hàn Quốc được tiêu thụ tại Trung Quốc.