Với nhiều cửa hàng hoa quả nhập khẩu, đây còn là cơ hội để mở rộng các đối tượng khách hàng.
Rằm tháng Bảy âm lịch là một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm, được các gia đình Việt Nam coi trọng. Mặc dù những nghi lễ truyền thống vẫn luôn được tuân theo, song, ngày nay, đây còn là dịp để các chị, các mẹ trổ tài sáng tạo, dâng lên những mâm cỗ, mâm lễ đẹp mắt nhất, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Chia sẻ từ đại diện một nhà hàng chay ở Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội), từ đầu tháng 7 âm lịch, lượng khách tới ăn tại chỗ đã tăng đột biến. Song song với đó, các mâm cỗ chay cũng được nhiều người đặt giao về. Tại đây có hai mức cỗ chay nấu sẵn với giá bán mỗi mâm 800.000đ (8 món cho 3-5 người) và 1.000.000đ (10 món cho 5-7 người). Ngoài ra, còn bán mâm cỗ đông lạnh, với đầy đủ nguyên liệu làm 5, 6 hay 7 món, khách hàng mua về tự chế biến.
“Đầu bếp và nhân viên của nhà hàng vặn hết công suất trong dịp Rằm tháng Bảy năm nay. Mặc dù đã lường trước được phần nào nhưng càng đến sát ngày, chị em càng đặt nhiều, đôi lúc nhà hàng không kịp trở tay”.
Nhà hàng chay tấp nập cả khách tới ăn và khách mua về.
Không riêng gì nơi đây, nhiều nhà hàng chay hay cá nhân kinh doanh đồ chay khác ở Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Lý giải trước biến động này, nhà hàng chay HomeFood cho hay: “Thứ nhất là bởi ăn chay giờ đây đã trở thành một xu hướng được nhiều người lựa chọn, ngày rằm hay mồng 1, hay cả những ngày khác, nhà hàng luôn kín bàn cả hai bữa trưa, tối. Thêm nữa, rằm tháng 7 năm nay rơi vào ngày thường, nhiều gia đình đã cúng trước nhưng cũng không ít người muốn cúng đúng ngày. Cho nên, để tiết kiệm thời gian cũng như đảm bảo về độ ngon, đẹp mắt, khách hàng sẵn sàng đặt nấu cỗ chay. So với giá bán của nhà hàng, nếu đi chợ và chọn nguyên liệu, chưa tính công lách cách nấu một mâm với trên dưới 10 món, chắc chắn sẽ vượt quá định mức”.
Hai tuần nay, chị Ngọc Hà (sinh năm 1994, Hạ Long) gần như ăn ngủ ở cửa hàng. Cửa hàng nhà chị vốn chuyên bán các loại hoa quả nhập khẩu và quà tặng cao cấp, đóng thành giỏ và lẵng. Nhưng dịp này còn lấn sân sang mảng làm các khay lễ hoa quả cho khách thắp hương Rằm tháng Bảy.
“Quyết định làm thêm các khay lễ, trước tiên là xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân mình. Trước kia chưa kinh doanh hoa quả, mình đã thấy việc chọn lựa đồ lễ rất là khó, khó từ việc chọn được loại quả mình muốn, khó đến việc đã mua rồi thì về nhà phải kết hợp, sắp xếp ra làm sao cho thành một mâm quả đẹp mắt trên bàn thờ. Và không chỉ mình đầu, năm nay, đây đã trở thành nhu cầu chung của hầu hết các gia đình. Việc tìm tới các mâm lễ thiết kế sẵn sẽ giúp các chị, các mẹ tiết kiệm được thời gian, công sức”.
Những giỏ quả, khay lễ được các gia đình ưa chuộng trong năm nay.
Cũng theo chị Ngọc thông tin, tại TP Hạ Long có nhiều cửa hàng hoa quả nhập khẩu gia nhập thị trường mâm lễ cúng Rằm năm nay. Tuy nhiên, mỗi nơi lại sáng tạo ra những kiểu cài cắm hoa quả khác nhau và tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Với các khách đặt mua ở cửa hàng của chị Ngọc, đa phần mọi người vẫn chuộng những mâm lễ được sắp xếp theo hơi hướng truyền thống. Hoa quả sẽ được xếp theo kiểu mâm ngũ quả, có thêm hoa và trầu cau.
“Về hoa quả, chị vẫn sử dụng chính những loại quả nhập khẩu có sẵn tại cửa hàng của mình, hoa thì có thêm hoa cúc, hoa sen, hoa cau và lá trầu quả cau. Thời điểm này, hoa sen đang vào mùa đẹp nhất nên chị cũng ưu tiên tư vấn cho các khách hàng”.
Mỗi ngày, cửa hàng của chị làm được nhiều nhất từ 10 – 15 khay lễ phục vụ khách hàng. Thường khách sẽ phải đặt trước ít nhất 30 – 60 phút với các khay đơn giản. Với những mẫu cầu kỳ, làm theo nhu cầu riêng thì khách phải đặt trước nữa bởi thời gian làm sẽ lâu hơn rất nhiều. Từ đầu mùa lễ tháng Bảy, ước tính, cửa hàng đã làm lên tới vài trăm khay lễ. “Hiện tại đơn hàng đang quá tải vì nhân lực có hạn nhưng mình và các nhân viên vẫn cố gắng phục vụ khách hàng, kịp giao hàng cho mọi người thắp hương trong buổi trưa ngày 15/7 âm lịch”.
Đã có một thời gian quan sát và thử nhu cầu của khách hàng ở TP Hạ Long, chị Ngọc còn nhận thấy thêm một điều rằng, các khách hàng không những mong muốn tiết kiệm công sức sắp khay hoa quả lễ mà họ còn ưu tiên có tính ứng dụng cao. Một số gia đình vẫn trưng các loại giỏ lễ, khay lễ truyền thống, có hoa, có quả thị, song, một bộ phận khác lại ưu tiên chọn để sau khi hạ lễ sẽ dùng được ngay các loại hoa quả. Có thể thấy rằng, khách không ngại chi tiền, nhưng cũng rất kỹ tính, đòi hỏi cao về chất lượng.
Đối với trái cây nhập khẩu, song song với chất lượng thì giá thành đã cao hơn so với hàng nội địa. Do đó, khi kết hợp giữa hoa và quả thì một khay lễ có giá thấp nhất ở cửa hàng này cũng phải 350.000đ trở lên. Và cũng chẳng thiếu những khay hoa quả kết hợp lên tới cả triệu đồng.”Trung bình, khay lễ đẹp và thông dụng nhất sẽ dao động từ 500.000đ – 1.000.000đ, có đủ quả, hoa sen, trầu cau cho mọi người. Khay 1.000.000đ là đã to và đầy đặn lắm rồi”, chị Ngọc cho hay.
Và để cho ra được những khay lễ vừa ý các khách hàng, cũng đòi hỏi người bán phải có sự tinh tế, chau chuốt cho từng bông hoa, loại quả. Chưa kể, ranh giới giữa cắm hoa, làm lẵng quả ngày thường đi tặng và làm khay hoa quả lễ cũng rất mong manh.
“Vào các dịp lễ Tết khác, giỏ quà thường có thêm kẹo, bánh, trà hay hoa quả xen kẽ với bánh phu thê. Còn khay lễ dâng hương thì nên chọn hoa sen, hoa cúc hay hoa cau. Việc chăm hoa sen hay cắm hoa sen cũng không phải dễ, đòi hỏi người cắm phải có kỹ thuật cao và thật sự tỉ mỉ, tuy nhiên, khi kết hợp với hoa sen vào khay lễ thì vừa sang, vừa đẹp, thích hợp thờ cúng”.
Các khay hoa quả dâng hương dịp Rằm tháng Bảy được ưu tiên chọn hoa sen, nhưng nếu khách có nhu cầu khác thì cửa hàng vẫn chiều theo.
Với chị Ngọc, việc làm các khay lễ vài dịp Rằm tháng Bảy còn là cơ hội giúp cửa hàng mở ra thêm một hướng đi mới, thu hút thêm khách hàng và duy trì lượng khách thân thiết của cửa hàng. Bởi, không riêng gì tháng 7 âm lịch mà tháng nào, người Việt ta cũng có phong tục dâng hương vào ngày rằm hay mồng một, thêm cả đi lễ chùa hay các khóa lễ tâm linh.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...