Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của sự sụt giảm đến từ nhu cầu yếu đi của các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh lãi suất tăng cao và kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Theo AGR, sau 2 quý liên tục suy giảm, hầu hết, các ngành đã ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trưởng dương so với quý trước đó trong quý II/2023. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay Trung Quốc cũng đang tăng trở lại.
Nhận định về triển vọng phục hồi 6 tháng cuối năm, AGR cho rằng, cuối năm là mùa lễ đối với các thị trường xuất khẩu, do đó, nhu cầu đơn đặt hàng thường tăng mạnh vào khoảng thời gian trước đó. AGR kỳ vọng, đơn hàng xuất khẩu từ quý III sẽ tiếp tục phục hồi rõ nét hơn, đặc biệt, đối với các mặt hàng như Thủy sản, gỗ, dệt may, xơ – sợi,…
Theo AGR, các dấu hiệu của sự phục hồi đã xuất hiện: (1) Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc sau khi chạm đáy vào quý IV/2022 và quý I/2023 đã có sự phục hồi tích cực trong quý II/2023; (2) Doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ cũng phục hồi ấn tượng trong quý II; (3) Lạm phát hạ nhiệt và FED sẽ sớm dừng quá trình nâng lãi suất.
Đối với ngành dệt may, xơ – sợi: Trong chuỗi giá trị dệt may, nhóm thượng nguồn như xuất khẩu xơ-sợi thường có xu hướng phục hồi trước, sau đó mới đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc. AGR đánh giá, các doanh nghiệp xuất khẩu xơ-sợi có thể phục hồi rõ nét từ quý III/2023 do các nhà sản xuất phải bổ sung hàng tồn kho dự trữ cho việc nhu cầu của khách hàng gia tăng vào mùa lễ hội cuối năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc có thể phục hồi từ quý IV/2023.
Đối với ngành gỗ, AGR kỳ vọng, lợi nhuận của các doanh nghiệp gỗ sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ quý IV/2023. Hiện nay, doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiên của thị trường nhà ở qua đó giúp kỳ vọng vào sự phục hồi của các đơn hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ. bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước cũng khả quan hơn nhờ các chính sách hỗ trợ, thảo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Trong khi đó, với ngành thủy sản, AGR cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sụt giảm cả về sản lượng và giá trị. Nguyên nhân đến từ nhu cầu các thị trường xuất khẩu sụt giảm. Trong đó, thị trường Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu tại thị trường Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng sau khi mở cửa kinh tế hậu zero – Covid.
AGR kỳ vọng, nhu cầu từ các thị trường có thể phục hồi trong nửa cuối năm. Trong đó, thị trường Mỹ phục hồi nhờ: Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, chỉ số niềm tin người tiêu dùng bắt đầu phục hồi rõ nét; Nhu cầu đơn hàng cải thiện để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm; Xuất khẩu thị trường Trung Quốc kỳ vọng có thể tăng nhẹ nhờ các biện pháp kích thích nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.
“Mặc dù vẫn đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên giá cá tra cũng đang trong xu hướng phục hồi và chúng tôi kỳ vọng giá cá tra xuất khẩu có thể tiếp tục xu hướng này khi nhu cầu đơn hàng quay trở lại”, AGR kỳ vọng.
Còn đối với Ngành thép, nhu cầu trong nước kì vọng phục hồi nhờ: Thúc đẩy giải ngân đầu tư công; Và Thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ, thảo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, kỳ vọng chính sách bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đang có kiến nghị về việc áp thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực từ thép Trung Quốc.
Dự báo giai đoạn cuối năm 2023, toàn ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ. Giá than có thể tăng nhẹ so với cuối tháng 6 do Trung Quốc có thể gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Úc. Tuy nhiên, giá vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giai đoạn đầu năm do cung đang tương đối ổn định.
“Các doanh nghiệp sản xuất ống thép, tôn mạ phục vụ cho xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ mặt bằng giá thép thô, HRC trong nước đang giảm thấp. Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đầu ngành và chủ động được nguồn điện như HPG sẽ đứng vững tại giai đoạn này nhờ vào khả năng cạnh tranh chi phí và được hưởng lợi từ đầu tư công”, AGR nhận định.