Câu chuyện rủi ro từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao không còn là câu chuyện mới. Vậy bản chất Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì và phòng tránh rủi ro bằng cách nào?
Bất động sản Nhật Nam có lẽ là cái tên được quan tâm nhiều nhất trong vài ngày gần đây với các nhà đầu tư khi chương trình Tài chính Kinh doanh đã phát sóng loạt phóng sự về những bất thường xung quanh Hợp đồng hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp này. Câu chuyện rủi ro từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao không còn là câu chuyện mới, khi trước đây chúng tôi cũng đã liên tục cảnh báo về mô hình này tại nhiều công ty khác nhau. Vậy bản chất Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì và có cách nào để phòng tránh những rủi ro.
Nguy cơ mất tiền vì hợp tác kinh doanh lãi cao
Cách đây hơn 1 năm, hàng nghìn nhà đầu tư trên khắp cả nước đã rủ nhau cùng đi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty cổ phần tập đoàn Capel. Khi công ty này đưa ra mức lợi nhuận 150%/năm, lại được chia lãi theo ngày, rồi hứa hẹn tặng cả đất… Nhưng sau khi ký hợp đồng, công ty Capel chỉ trả lãi 1 đến 2 tháng rồi dừng hẳn. Hơn 1 năm nay, các nhà đầu tư của doanh nghiệp này đã khốn đốn vì phải liên tục đi lại nhiều lần để đòi lại số tiền đã đầu tư mà không được do lãnh đạo công ty Capel trốn tránh không gặp mặt. Hiện nay, trụ sở văn phòng của công ty Capel ở 2 miền Namc- Bắc đều đã đóng cửa, các nhà đầu tư thì không rõ lãnh đạo công ty Capel đang ở phương trời nào.
Đầu năm 2022, hàng trăm nhà đầu tư cũng tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Thăng Long Việt Nam, để hưởng lợi nhuận lên tới trên 30% 1 năm. Nhưng cũng giống như công ty Capel, sau khi ký hợp đồng xong thì lãi cũng không có mà gốc cũng chẳng lấy về được. Đến nay, sau nhiều lần hứa hẹn trả lại tiền thì ông Nguyễn Văn Long, chủ tịch của Công ty cũng mất tăm, các chi nhánh văn phòng của công ty cũng đều đã đóng cửa.
Đầu tháng 8/2023, hàng trăm nhà đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam cũng phải kéo đến trụ sở của doanh nghiệp này để đối chất, đòi lại tiền đã ký hợp tác kinh doanh. Trước đó từ năm 2019 đến 2022, công ty Nhật Nam đã đưa ra mức lợi nhuận từ 34 đến 46%/năm, thậm chí còn khuyến mãi tặng thêm vàng, tặng thêm đất nếu ai bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp. Phân chia lợi nhuận theo ngày. Vì thế, đã có hàng chục nghìn người trên khắp cả nước rỉ tai nhau để cùng đầu tư làm giàu cùng Nhật Nam. Nhưng chưa kịp làm giàu thì đã trở thành người nghèo vì 1 năm nay công ty Nhật Nam không chi trả. Thậm chí, doanh nghiệp này còn bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh và bị Cục thuế TP Hồ Chí Minh phong tỏa hóa đơn.
Có thể thấy 1 điểm chung trong những trường hợp kể trên, đó là nhà đầu tư khi tham gia ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thì đều chưa lấy lại được tiền. Phải chăng Hợp đồng hợp tác kinh doanh luôn chứa đựng sẵn những rủi ro?
Theo quy định Điều 504 Bộ luật dân sự 2015, khái niệm “Hợp đồng hợp tác” được hiểu như sau: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”.
Bản chất của Hợp tác kinh doanh là lời thì cùng chia, lỗ cùng chịu nhưng quan trọng ở đây là người những góp vốn, hợp tác kinh doanh phải quản lý được nguồn tiền mình đã đầu tư được sử dụng đúng mục đích hay không, có hiệu quả không?
Các nhà đầu tư khi góp tiền vào hợp tác với công ty Capel, công ty Thăng Long hay BĐS Nhật Nam không hề biết dòng tiền của mình đi đâu, về đâu, các doanh nghiệp này đã sử dụng vào mục đích gì, lời lỗ ra sao? Do đó dẫn đến tình cảnh các doanh nghiệp này nói sao thì biết vậy. Đến khi họ không trả tiền, họ dựa vào cớ là gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế dòng tiền họ đầu tư vào gì thì các nhà đầu tư không hề được biết.
Ví dụ công ty Capel huy động vốn trả lãi cao, nhưng không hề có dự án kinh doanh gì cụ thể đang thực hiện. Từ năm 2019 đến năm 2022, Capel ghi nhận không có doanh thu và chưa nộp đồng thuế nào.
Tương tự như công ty BĐS Nhật Nam, dù huy động vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng 3 năm nay doanh nghiệp này cũng kê khai doanh thu thấp và không nộp thuế.
Điều này đặt ra nghi vấn, số tiền các nhà đầu tư đã gửi vào đã bị các doanh nghiệp này sử dụng vào mục đích khác. Vậy để phòng tránh và hạn chế những rủi ro khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thì các nhà đầu tư cần phải làm gì?
Tìm hiểu về dự án hợp tác
Để phòng tránh và hạn chế những rủi ro khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về dự án kinh doanh trước khi quyết định hợp tác. Ví dụ, là các nhà đầu tư cần tìm hiểu xem công ty Capel và hay BĐS Nhật Nam có cụ thể dự án gì? Pháp lý đến đâu? Cần phải xem được các giấy tờ cụ thể như giấy phép của dự án, giấy phép xây dựng… thay vì cứ tin tưởng vào các lời quảng cáo chung chung của doanh nghiệp là có dự án ở Phú Quốc hay ở Sơn Tây.
Giám sát sử dụng nguồn vốn
Phải thống nhất về việc cơ chế giám sát, quản lý việc sử dụng nguồn vốn, thời điểm phân chia lợi nhuận, điều kiện rút vốn… Tránh việc cứ bỏ tiền vào và không biết doanh nghiệp sẽ sử dụng đồng vốn của mình như thế nào..
Hợp tác lợi nhuận cao?
Tiếp theo là phải đặt nghi vấn với những Hợp đồng hợp tác có lợi nhuận quá cao. Theo các chuyên gia, 1 dự án cụ thể thông thường chỉ có lợi nhuận từ 20-30%. Trong đó doanh nghiệp phải chi trả cho lương nhân viên, đóng thuế, và nhiều chi phí khác. Vì vậy, với các hợp đồng hợp tác kinh doanh trả lãi khoảng 12%/năm trở xuống là có khả năng thực hiện. Còn đối với mức lãi suất trên 12% đến 20% là tương đối rủi ro. Lãi trên 20% đến hàng trăm % là đặc biệt rủi ro.
Ngoài các yếu tố trên, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ người chủ của công ty, đối tác mà mình dự định hợp tác, tránh rơi vào tình cảnh như các nhà đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam gặp phải.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...