Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho các dự án thuộc Quy hoạch điện VIII.
Theo Tờ trình số 6046/TTr-BCT gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, Bộ Công Thương nêu rõ nội dung phân kỳ vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện giai đoạn 2021 – 2025 là 57,1 tỷ USD. Trong đó, nguồn điện là 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9 tỷ USD.
Vốn đầu tư giai đoạn 2026 – 2030 cần khoảng 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện là 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD. Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện đến năm 2030 là 134,7 tỷ USD. Đáng chú ý, toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.
Từ đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính, cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch điện được duyệt.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường, cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện.
Bên cạnh đó, chủ trì, rà soát các văn bản pháp quy về thuế, tài chính, kế toán nhằm đảm bảo thi hành được các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện; chương trình điều chỉnh phụ tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư các nhà máy điện than đang trong quá trình triển khai đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng nếu không áp dụng “bài toán” đầu tư công thì chúng ta phải huy động nguồn lực từ xã hội hoá.
Trước tiên là những nguồn năng lượng mà Việt Nam được đánh giá rất dồi dào, như điện gió, điện mặt trời… với những cơ chế chính sách tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, giảm dần khí phát thải nhà kính.
“Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Đức, Anh, Singapore mong muốn được tham gia đầu tư điện tái tạo tại Việt Nam”, ông Phú nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, có rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia xây dựng điện sạch tại Việt Nam, nhưng để thu hút được thì điều quan trọng nhất là chính sách về giá, thủ tục hành chính không gây khó khăn, cản trở để làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đặc biệt, phải tạo cho nhà đầu tư yên tâm gắn bó lâu dài với Việt Nam trong xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo. Xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo chỉ là một vấn đề, điều quan quan trọng là phải tạo niềm tin để nhà đầu tư thoải mái và yên tâm xây dựng mới là vấn đề then chốt. Các nhà đầu tư lo ngại nhất là chính sách của chúng ta hay thay đổi “nay thế này mai thế kia”, không đưa ra được “lộ trình” về giá để nhà đầu tư tính toán giá thành.
“Do đó, muốn thu hút và giữ chân được các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì chính sách phải ổn định, có tầm nhìn lâu dài và lường trước được các vấn đề để các nhà đầu tư có thời gian “xoay sở” khi chính sách có sự thay đổi”, ông Phú bày tỏ.