“Chìa khóa” nào để thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có chất lượng và chuyển giao công nghệ, Diễn đàn Doanh nghiệp xin chia sẻ nội dung bài viết của ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ.
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Chúng ta có thể thấy rằng thu hút ĐTNN được xem là một trong những điểm sáng, trong giai đoạn vừa qua. Đế́n nay, thu hút ĐTNN đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào Ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu giảm sút. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro do ảnh hưởng của xung đột chính trị toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực giảm đáng kể lên ĐTNN trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam. Nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thu hút lại các nhà đầu tư về nước, đồng thời đẩy mạnh thu hút ĐTNN, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút ĐTNN không chỉ giữa các nước đang phát triển mà còn với các nước phát triển.
Bối cảnh trong nước, do tác động của bối cảnh tình hình thế giới, kinh tế Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng; lãi suất tăng trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng liên tục, huy động vốn khó khăn… Mặt khác, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu hiệu lực từ ngày 01/01/2024 cũng tác động rất lớn đến chính sách đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia.
Giữ chân nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới
Để giữ chân nhà đầu tư tiềm năng và thu hút mới các nhà ĐTNN mới, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI. Có thể kể đến một số chính sách như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Quyết định số 29/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt; Quyết định số 667/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021-2030… nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn ĐTNN, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian qua, việc thu hút ĐTNN trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung… Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao nội địa.
Cùng với đó, doanh nghiệp ĐTNN cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp ĐTNN để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp ĐTNN.
Bên cạnh thành tựu như trên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: mặc dù được đánh giá sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước; chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực; Việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế; Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Do vậy cần xây dựng chính sách và cơ chế liên kết giữa hai loại hình doanh nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên kết theo chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp.