Quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm của ECB đã đẩy lãi suất cơ bản đồng Euro lên 4%, mức cao chưa từng thấy kể từ khi đồng tiền này được đưa vào lưu thông.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán khu vực đã bật tăng mạnh sau quyết định tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của cơ quan này, qua đó đẩy lãi suất cơ bản đồng Euro lên 4%, mức cao chưa từng thấy kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào lưu thông cách đây 24 năm.
Những chỉ số kinh tế kém lạc quan khiến giới tài chính châu Âu đồn đoán đã tới lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải giảm mức độ thậm chí tạm ngưng tăng lãi suất, giảm sức ép đang đè nặng lên sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên chống lạm phát vẫn là ưu tiên số một và lạm phát đang neo ở mức cao, 5,3%.
“Lạm phát tiếp tục giảm, nhưng được dự đoán vẫn ở mức cao trong thời gian dài. Chúng tôi quyết tâm đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%. Để đạt được mục tiêu đó, Hội đồng Thống đốc ngày hôm nay đã quyết định tăng 3 loại lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản nữa”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, thông tin.
Đồng Euro. (Ảnh: depositphotos)
Như vậy, lãi suất cơ bản đồng Euro đã lên tới 4%, cao chưa từng thấy trong lịch sử đồng tiền chung châu Âu. Sau 10 lần tăng liên tiếp, hiện lãi suất tái cấp vốn lên tới 4,25%, lãi suất cho vay 4,5%. Những con số cao kỷ lục, giới kinh doanh thêm lúng túng. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương châu Âu có những lý lẽ riêng, nhiều yếu tố vẫn đang cho thấy hoạt động kinh tế chưa tới mức bị lãi suất cao bóp nghẹt.
“Thị trường lao động cho đến nay vẫn vững chắc, mặc dù nền kinh tế đang chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp lịch sử, 6,4% trong tháng 7. Các quyết định trong tương lai của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng lãi suất chính sẽ được quyết ở mức cao vừa đủ, trong thời gian cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định mức độ và thời gian phù hợp”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhận định.
Dù lập luận của bà Christine Lagarde có như thế nào đi nữa, thực tế cho thấy, lãi suất đang rất cao đối với nền kinh tế, nhưng lại chưa đủ cao để kéo lạm phát xuống mức mục tiêu. Làm thế nào, co kéo ở mức nào, để Eurozone không rơi vào suy thoái, mà lạm phát vẫn giảm được về mức 2%, trong giai đoạn tới, hành động của Ngân hàng Trung ương châu Âu trở nên phức tạp hơn, điều chỉnh lãi suất chỉ có tác dụng rất hạn chế đối với lạm phát.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...