Bà Georgieva lưu ý các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn đang theo đuổi biện pháp thúc đẩy hơn nữa xu hướng này. Mặc dù biện minh nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, các chính sách đó thực tế lại phục vụ lợi ích riêng và chủ nghĩa bảo hộ mà về lâu dài sẽ đặt nền kinh tế thế giới vào tình trạng bấp bênh.
Cái giá của sự phân mảnh
Có thể thấy, cái giá phải trả của sự phân mảnh kinh tế toàn cầu là rất rõ ràng. Thứ nhất, khi thương mại giảm và các rào cản gia tăng, tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu hằng năm vào năm 2028 sẽ chỉ ở mức 3% (mức dự báo thấp nhất của IMF trong 3 thập niên qua), gây khó khăn cho việc giảm nghèo và tạo việc làm ở các nước đang phát triển. Điều này khiến cho bức tranh kinh tế vốn đã kém sáng sủa lại càng trở nên tồi tệ hơn. Tăng trưởng giảm đồng nghĩa với cơ hội biến mất, căng thẳng gia tăng và thế giới mà chúng ta đang sống vốn đã bị chia cắt bởi các tính toán địa chính trị lại càng bị tách rời thành các khối kinh tế cạnh tranh gay gắt với nhau.
Thứ hai, trong một thế giới mong manh hơn, các quốc gia (hoặc khối quốc gia) có thể xác định lợi ích của mình một cách hạn hẹp và rút lui khỏi hợp tác. Trong khi đó, các quốc gia thiếu công nghệ, nguồn lực tài chính sẽ không đủ năng lực đối phó với các cú sốc kinh tế và nó sẽ tạo hiệu ửng ảnh hưởng lan sang những nơi khác. Điều này khiến cho triển vọng tăng trưởng yếu đi, nguy cơ phân mảnh kinh tế tăng lên và tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Thứ ba, về lâu dài, việc gia tăng các hạn chế đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 7%, tương đương 7.400 tỉ USD. Khi chủ nghĩa bảo hộ lan rộng, cái giá của những hạn chế đối với dòng hàng hóa, dịch vụ và kiến thức công nghệ cao giữa các quốc gia sẽ ngày càng lớn. Đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại việc áp dụng các rào cản thương mại mới, vốn đã gia tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Theo thống kê của IMF, năm 2019, các quốc gia áp đặt ít hơn 1.000 hạn chế thương mại và con số này đã tăng vọt lên gần 3.000 vào năm 2022.
Thứ tư, sự phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu sẽ dấn đến sự gián đoạn nghiêm trọng trên thị trường hàng hóa và gây mất an ninh lương thực và năng lượng, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á. Những ảnh hưởng từ việc xuất khẩu lúa mì của Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá lúa mì toàn cầu tăng đột ngột 37% vào mùa xuân năm 2022.
Thứ năm, sự phân mảnh của dòng vốn mà trong đó các nhà đầu tư và các quốc gia chuyển hướng đầu tư và giao dịch tài chính sang các quốc gia có cùng chí hướng, sẽ tạo thành một đòn giáng mạnh vào tăng trưởng toàn cầu.
Đã đến lúc hành động
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đưa ra một số đề xuất nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng của việc phân mảnh toàn cầu.
Thứ nhất, cần phải xây dựng “vùng đệm kinh tế” trong thời kỳ thuận lợi để có thể triển khai trong thời điểm khó khăn. “Vùng đệm kinh tế” chính là “dự trữ quốc tế” của một quốc gia, tức là lượng ngoại tệ mà ngân hàng trung ương nắm giữ nhằm cung cấp nguồn tài chính sẵn có khi quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cú sốc.
Nhìn chung, trong 2 thập niên qua, dự trữ quốc tế đã tăng mạnh để ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, tuy nhiên, lại có sự chênh lệch rất lớn khi những khoản dự trữ này chỉ tập trung ở nhóm nhỏ các nền kinh tế phát triển và mới nổi (chỉ 10 quốc gia nắm giữ 2/3 lượng dự trữ toàn cầu). Trong khi đó, dự trữ ở hầu hết các quốc gia khác vẫn ở mức khiêm tốn, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, một phần của châu Mỹ Latinh, các quốc gia nhập khẩu dầu ở Trung Đông và các quốc đảo nhỏ.
Sự phân bổ dự trữ không đồng đều đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia vẫn rất dễ bị tổn thương. Do đó, đòi hỏi phải có một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu để tập hợp các nguồn lực quốc tế nhằm giúp đỡ các quốc gia khi đối mặt với khó khăn, thách thức do thiên tai, đại dịch và xung đột, chiến tranh.
Thứ hai, cần phải có cơ chế xử lý nợ hiệu quả. Ngay cả khi mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu được tăng cường, một số quốc gia có thể cạn kiệt “vùng đệm kinh tế” khi đối mặt với cú sốc kinh tế toàn cầu, khiến cho tình trạng mất cân bằng kinh tế gia tăng, đặc biệt là thâm hụt tài chính và nợ tăng lên. Theo tính toán của IMF, đến cuối năm 2022, mức nợ trung bình ở các nước thị trường mới nổi đã lên tới 58% GDP trong khi các nước thu nhập thấp là 60% GDP.
Cái giá phải trả của một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện ở các nước mắc nợ là vô cùng sâu sắc, đồng thời nó ảnh hưởng lan sang cả các quốc gia khác. Chính vì vậy, để ngăn chặn điều này, các nước chủ nợ và các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ các nước tập trung vào cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, tăng cường thu thuế và tăng cường quản lý nợ.
Thứ ba, cần đổi mới mô hình tài chính của IMF. Từ lâu, IMF đã đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu nhưng để theo kịp tốc độ biến đổi của một thế giới đang bị phân mảnh thì mô hình tài chính của tổ chức cần được đổi mới. Bà Georgieva cho biết mỗi thành viên của IMF được giao một hạn ngạch riêng để đảm bảo đủ giúp các thành viên đối phó với các cú sốc kinh tế, do đó, việc gia tăng hạn ngạch trong thời gian tới sẽ giúp tạo lập nguồn lực lâu dài hơn để hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đồng thời giảm sự phụ thuộc của quỹ vào hạn mức tín dụng tạm thời.
Những tổn thất, hậu quả tích lũy từ sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu có thể không dễ để định lượng nhưng rõ ràng chúng đang tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đòi hỏi sự tăng cường hỗ trợ từ các nước có thu nhập cao hơn cùng các cam kết hợp tác mới để cùng chung tay hành động.