Trước thực tế tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm hồi phục nhẹ nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài. Trong khi đó các đối tác thương mại lớn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là trong phần còn lại của năm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, cả ba động lực từ phía cầu đều suy yếu, ngoại trừ đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều sụt giảm mạnh.
“Đầu tư Nhà nước tăng mạnh nhưng còn dưới xa so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu cao); đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Trong khi đó, xuất khẩu đang giảm dần qua các quý, cho thấy tình hình đang xấu. Tuy nhiên do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại vẫn thặng dư.
Để kích thích tổng cầu, ông cho rằng cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.
Ông nhấn mạnh cần giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do giảm lãi suất chính sách đã đến điểm giới hạn.
Tuy nhiên giải pháp này gặp một số khó khăn như tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lạm phát cơ bản giảm chậm. Hơn nữa còn gặp hạn chế về lãi suất thực dương; bất ổn tỷ giá và có thể sẽ ít hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu tiêu dùng yếu. Vì vậy trong giai đoạn này cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa.
Trong khi đó, TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản.
Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hoá.
Đồng tình với ý kiến của TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP rằng Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng nền kinh tế lúc này rất cần chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tức là khi nền kinh tế suy thoái thì cần chi tiêu nhiều hơn, giảm thu thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực và bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
Nêu giải pháp, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
“Một là phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường. Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung nêu.
Một vấn đề được các đại biểu chỉ ra là cần cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và từ đó tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của doanh nghiệp trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên “sân nhà”.
Dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%, phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới đồng tình về các giải pháp tập trung giải ngân đầu tư công.
Bà Dorsati Madani đề xuất các biện pháp ứng phó với khủng hoảng bao gồm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng. Theo đó, để cải cách cơ cấu trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.
Bà Madani nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung luật các tổ chức tín dụng và luật ngân hàng nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu.