Các “gã khổng lồ” đầu tư lớn

Truyền thông Hàn Quốc gần đây đã đưa tin, các tập đoàn bán lẻ của quốc gia này đang đẩy mạnh nỗ lực thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nơi có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao.

Điều gì thúc đẩy các nhà bán lẻ Hàn Quốc mở rộng tại Việt Nam?

 

Lotte Group, một trong hai gã khổng lồ bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc đang đầu tư lớn tại Việt Nam.

 

Lotte Group, một trong hai gã khổng lồ bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc cùng với Shinsegae, đang hoạt động tích cực nhất trong bối cảnh này. Công ty hiện có 20 công ty thành viên hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Lotte GRS, Lotte Shopping và Lotte Culture Works. Trong đó, Lotte Shopping chuẩn bị khai trương Lotte Mall West Lake Hanoi, tại Hà Nội, vào tháng 8. Đây sẽ là khu phức hợp trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam bao gồm một khách sạn và văn phòng mà công ty đã đầu tư tổng cộng 250 triệu USD (329,7 tỷ won). 

Bên cạnh đó, gã khổng lồ bán lẻ này cũng đang đầu tư khoảng 900 triệu USD để thành lập Thủ Thiêm Eco Smart City, khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, nhà ở và rạp chiếu phim. Vào tháng 8, Thủy cung Lotte World cũng sẽ được khai trương tại Hà Nội.

“Thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 100 lần trong 20 năm qua. Đây là điểm đến kinh doanh hấp dẫn với tỷ lệ dân số trẻ cao, yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc. Tại Lotte Mall West Lake mới khai trương của chúng tôi, sẽ cung cấp khoảng 3.600 mét vuông địa điểm cho người tiêu dùng trẻ tuổi thưởng thức các nội dung văn hóa như không gian trải nghiệm yoga, xưởng thủ công và cửa hàng sách”, một quan chức của Lotte Shopping cho biết.

Trong khi đó, Shinsegae, một chuỗi cửa hàng bách hóa nhượng quyền thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, cũng có kế hoạch mở cửa hàng Emart thứ ba tại Việt Nam theo hợp đồng nhượng quyền chính với Tập đoàn THACO trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, GS Retail, một tập đoàn bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc cũng đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam. Liên doanh địa phương của công ty dự kiến sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây bằng cách ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Một thị trường tiềm năng

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, mức tăng hàng năm cao nhất trong mười năm qua. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 19,8%, một con số khả quan trong bối cảnh áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu.

Điều gì thúc đẩy các nhà bán lẻ Hàn Quốc mở rộng tại Việt Nam?

 

Dân số trẻ, sức mua lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là điểm thu hút của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, thị trường nội địa có dân số gần 100 triệu người, cùng tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ đạt 56 triệu người trong 10 năm tới, với tỷ lệ những người dưới 30 tuổi chiếm 50% dân số trong khi dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70%. Theo một ước tính cho thấy, có tới 36 triệu người Việt Nam có thể chuyển sang tầng lớp tiêu dùng trong thập kỷ tới, khiến tầng lớp trung lưu trở thành thị trường tiêu dùng chủ chốt ở Việt Nam. 

Đặc biệt, với thu nhập khả dụng ngày càng tăng và mong muốn có trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn, tầng lớp người tiêu dùng mới của Việt Nam đang chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống với các quầy hàng nhỏ ven đường sang các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện đại hơn. Điều này đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất hứa hẹn không chỉ với các nhà bán lẻ Hàn Quốc mà còn là điểm đến của các thương hiệu quốc tế.

Đây là một xu hướng đầy hứa hẹn và là một phần lý do tại sao các nhà bán lẻ Hàn Quốc đã và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam.

“Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn vì có lượng dân số trẻ và đang trong độ tuổi lao động đáng kể. Ngoài ra, các sản phẩm của Hàn Quốc rất được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng nhờ K-pop và K-drama. Trong thời điểm nhiều nhà bán lẻ đang tìm kiếm điểm đến kinh doanh tiếp theo sau Trung Quốc, không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam vào lúc này”, một quan chức của Lotte Shopping cho biết.