Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo tại kỳ điều hành ngày 21/9/2023, giá xăng bán lẻ trong nước có thể tăng gần 4%, tương ứng 867 – 977 đồng, lên mức 24.337 đồng/lít (E5 RON 92) và 25.847 đồng/lít (RON 95). Trong khi đó, giá dầu bán lẻ trong nước có thể tăng trên 3%, cụ thể giá dầu diesel có thể tăng 750 đồng lên mức 23.800 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 779 đồng lên mức 23.959 đồng/lít, dầu mazut có thể tăng 502 đồng lên 18.202 đồng/lít. Mô hình dự báo kỳ này sẽ chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng khoảng 50 đồng/lít.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tiếp tục tăng hơn 990 nghìn thùng/ngày lên mức 102,8 trong năm 2024. Bất chấp tình hình kinh tế trong nước khó khăn, Trung Quốc có thể chiếm đến 75% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023, tương đương 1,6 triệu thùng/ngày trong tổng số 2,2 triệu thùng/ngày.
Việc Saudi Arabia và Liên bang Nga gia hạn cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thâm hụt đáng kể trong Quý IV/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng của OPEC+ đã giảm 2 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nguồn cung ngoài OPEC + đã tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 50,5 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2023. Nguồn cung dầu toàn cầu trong năm 2023 được IEA dự báo sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày, chủ yếu tập trung ở Mỹ, Iran và Brazil.
Doanh thu xuất khẩu dầu của Liên bang Nga tăng 1,8 tỷ USD lên 17,1 tỷ USD trong tháng 8/2023, do giá dầu cao hơn bù đắp sản lượng xuất khẩu thấp hơn. Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 570 nghìn thùng/ngày so cùng kỳ năm trước.
Giá dầu thô đến nay đã tăng gần 1/3 kể từ giữa tháng 6/2023, cụ thể vào 6 giờ 30 phút ngày 20/9/2023, giá dầu WTI giao dịch ở mức 91,2 USD/thùng, trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 94,34 USD/thùng. Nguồn cung dầu toàn cầu giảm mạnh khiến các chuyên gia lo ngại giá dầu có thể sớm cán mốc 100 USD/thùng.