Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo nước này vào ngày 26.9 sẽ công bố các quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng trên mạng xã hội.
Đây là động thái để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tiểu thương trước sức ép cạnh tranh từ TikTok, Facebook.
“Chúng tôi vừa có quyết định liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội cho thương mại điện tử. Có lẽ ngày mai (26.9) sẽ có thông báo chính thức”, Reuters hôm 25.9 dẫn lời ông Widodo.
“Điều mà mọi người đang kỳ vọng là tiến bộ trong công nghệ có thể tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, chứ không phải bóp nghẹt các hoạt động kinh tế hiện có”, nhà lãnh đạo bổ sung.
Hiện các quy định về giao dịch thương mại ở Indonesia vẫn chưa có các điều khoản liên quan đến việc bán hàng trực tiếp thông qua mạng xã hội, cụ thể là bán hàng qua TikTok.
Trong một sự kiện ở tỉnh East Kalimantan hồi cuối tuần qua, ông Widodo đề cập chi tiết hơn về những ảnh hưởng của các đại gia xã hội như TikTok đối với các tiểu thương và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Mạng xã hội này [TikTok] gây ảnh hưởng cho năng suất của khối tiểu thương cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tác động (tiêu cực) cho các thị trường truyền thống”, Tổng thống Indonesia nói, thêm rằng “TikTok chỉ nên giữ vai trò là nền tảng mạng xã hội chứ không là trung gian cho hoạt động kinh doanh”.
Chưa rõ nội dung các quy định mới. Tuy nhiên, hồi tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan thông báo chính quyền Jakarta đang soạn thảo lệnh cấm bán hàng hóa nhập khẩu trị giá dưới 100 USD/món trên mạng xã hội.
TikTok, ứng dụng của công ty Bytedance (Trung Quốc), cho hay đang có khoảng 325 triệu người dùng mỗi tháng ở Đông Nam Á. Trong số này, 125 triệu người ở Indonesia. Khoảng 2 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Indonesia đang hoạt động trên các cửa hàng trực tuyến của TikTok.