Có đến 74 tổ chức tín dụng thiếu một quy trình đặc thù về thẩm định tín dụng xanh. Con số này được Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới công bố.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD để hướng tới cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời khi ban hành Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc triển khai các hướng dẫn cụ thể vẫn còn chậm trễ.
Theo ông Thomas J. Jacob, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào & Campuchia: “Hiện giờ vẫn thực sự khó khăn nếu nói dự án nào là dự án xanh hay không xanh khi chưa có danh mục chung. Nếu có khuôn khổ pháp lý và một bộ tiêu chí cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và giúp các ngân hàng có kế hoạch đa dạng các sản phẩm tài chính xanh, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh. Quá trình nào cũng cần 1 thời gian dài để thực hiện”.
Theo chuyên gia, giải pháp cấp bách trước mắt là cần sớm ban hành danh mục dự án xanh quốc gia, để cả doanh nghiệp và ngân hàng, cùng nhìn vào đó, soi chiếu các tiêu chí xanh trước khi cấp vốn cho vay. Tính đến cuối tháng 6, mới có khoảng 528 nghìn tỷ đồng vốn được cho vay các dự án xanh, chỉ chiếm khoảng 4,2% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
“Giải pháp quan trọng nhất là chính sách, cần phải sớm có cơ chế cho các chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ. Các quyết định của Chính phủ về tiêu chuẩn dự án xanh để họ dễ dàng tiếp cận các NH thúc đẩy tín dụng xanh”, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước nhận định.
“Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài kì vọng đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam. Vì vậy, tôi tin rằng nếu Chình phủ Việt Nam có thể thống nhất bộ tiêu chí xanh cụ thể cũng như phối hợp cùng các cơ quan liên quan để có chính sách hướng dẫn lộ trình rõ ràng để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì tôi chắc rằng các đối tác như chúng tôi có thể dễ dàng cung cấp thêm nguồn vốn và các dịch vụ tư vấn cho các ngân hàng và các doanh nghiệp để họ có thể tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn”, ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào & Campuchia chia sẻ thêm.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, 84% các nhà đầu tư toàn cầu đang hướng dòng vốn tới các khoản đầu tư xanh, phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội cho các thị trường mới nổi như Việt Nam thu hút nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho lộ trình chuyển đổi xanh. Vì thế, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...