Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức mới xuất hiện nhiều hơn là cơ hội, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.
Đó là chiến tranh (xung đột Nga-Ukraine), dịch bệnh (nhất là đại dịch COVID-19), thiên tai (khí hậu thất thường, khắc nghiệt và nhiều thiên tai hơn). Thời kỳ “họa vô đơn chí” này đã khiến kinh tế – xã hội (KTXH) thế giới và Việt Nam bất thường hơn, bấp bênh và rủi ro hơn – điều mà giới kinh doanh vẫn gọi là thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ).
Kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021 (tăng 6%), đang giảm đà, xuống mức tăng 3% năm 2022 và dự báo khoảng 2,1-2,4% năm nay, trước khi tăng trở lại mức 2,4-2,7% năm 2024-2025, nhưng có thể giảm đà tăng trưởng xuống bình quân 1,8% giai đoạn 2022-2030 (WB gọi là “thập niên mất mát”).
Lạm phát (CPI) toàn cầu từ mức bình quân 2,1%/năm giai đoạn 2016-2019 nhảy vọt lên 3,5% năm 2021 đến 8,3% năm 2022, dự báo khoảng 5,5% năm 2023, 3,7% năm 2024 và 3% năm 2025 (hay 4,8%/năm trong giai đoạn này, theo WB).
Dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu suy thoái năm 2020, buộc các nước áp dụng chính sách tài khóa – tiền tệ nới lỏng chưa từng có. Chiến tranh cùng với hệ lụy của chính sách hỗ trợ lớn khiến giá cả, lạm phát tăng vọt năm 2021-2022 buộc các nước thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất nhanh chưa từng có (FED tăng 11 lần trong 17 tháng) nhằm chống lạm phát nhưng cũng gây hệ lụy khiến tăng trưởng chậm, thậm chí suy thoái cục bộ, rủi ro vỡ nợ và thị trường tài chính – tiền tệ gia tăng…v.v.
Cùng với đó là những biến đổi sâu sắc về xã hội – môi trường với chênh lệch giàu nghèo, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng, an ninh y tế, vấn đề thị trường lao động, già hóa dân số, tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường… đều trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.
Đan xen là những xu thế phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xanh hóa, khu vực hóa và thân thiện hóa (friendshoring) trong toàn cầu hóa, dịch chuyển chuỗi cung ứng đã và đang diễn ra, vừa là xúc tác, tạo cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức mới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thích ứng, chủ động, độc lập, tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế phù hợp và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế…v.v. Theo đó, cả nước gồng mình vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những yếu kém, tồn đọng từ lâu nay bộc lộ, vừa phải phục hồi, phát triển nhanh và bền vững.
Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc Hội, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt, kể cả chưa có tiền lệ được ban hành đi kèm việc thành lập, kiện toàn tổ chức – bộ máy chỉ đạo, thực hiện.
Phải kể đến như các định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc Hội, Nghị quyết 86/2021/NQ-CP, Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về phòng chống dịch bệnh; các nghị quyết của Quốc Hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023, về chính sách tài khóa cho phép giãn hoãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị miễn, giảm thuế, phí khoảng 210 nghìn tỷ đồng, gia hạn hơn 430 nghìn tỷ đồng trong 4 năm (2020-2023).
Thực hiện chính sách tiền tệ cho phép cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi….v.v.; cùng nhiều chỉ thị, nghị quyết thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn…, được ban hành kịp thời…v.v.
Các chính sách, giải pháp chưa từng có nêu trên cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, suốt hơn 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu (theo IMF). Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,6%, năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, cả năm dự báo tăng khoảng 5-5,5% (bình quân 3 năm đạt khoảng 5,4%, cao gấp 1,7 lần mức bình quân của thế giới là 3,2%).
Định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được đảm bảo, đặc biệt các chỉ số về nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều dưới ngưỡng và cách khá xa hạn mức Quốc Hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định và lạm phát được kiểm soát bình quân 3 năm (2021-2023) khoảng 2,8% (dưới ngưỡng mục tiêu 4%)…v.v.
Những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội của nửa nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng trân trọng; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại. Đó là, một số chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng chưa đạt kế hoạch như năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến – chế tạo trong GDP; các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư tư nhân, thu hút FDI còn nhiều thách thức, trong khi giải ngân đầu tư công.
Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia có tiến bộ nhưng không đồng đều và còn chậm, tiêu dùng tăng chậm lại; công tác lập quy hoạch còn chậm. Khối doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào tăng trong khi đầu ra gặp khó, việc làm…); cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là DNNN, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm; sức chống chịu của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn yếu trong khi độ mở nền kinh tế rất cao.
Những bất cập tích tụ kéo dài của thị trường đất đai, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…, được quan tâm xử lý nhưng cần thời gian phục hồi; kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa nghiêm, còn nhiều hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, dẫn đến thực thi công vụ chậm kéo dài. Cải cách, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Thể chế được quan tâm hoàn thiện, nhưng khâu thực thi và thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh còn chậm…v.v.
Để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và của Quốc Hội đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030.
(Tham luận của TS. CẤN VĂN LỰC và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)