Sụt giảm một phần do mất lợi thế
Theo Hiệp phân bón, từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón bắt đầu giảm mạnh. Giá Urê thế giới liên tục giảm mạnh. Có thời điểm giá rớt xuống dưới 300 USD/tấn, so với đỉnh hồi đầu năm 2022, giá loại hàng hoá này đã giảm tới gần 70%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức lập đỉnh hồi tháng 4/2022. Sau 5 tháng, xuất khẩu phân bón giảm 42,2% về kim ngạch. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang nỗ lực mở rộng thị trường mới xuất khẩu.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu 692.259 tấn phân bón các loại, tương đương 289,07 triệu USD, giảm 8,9% về khối lượng, giảm 36,5% về giá, kéo theo kim ngạch giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng xuất khẩu phân bón của Việt Nam chủ yếu sang thị trường Campuchia là chủ đạo đạt 33% trong tổng khối lượng xuất khẩu phân bón của cả nước đạt 227.708 tấn, tương đương 95,47 triệu USD, tăng 8% về lượng nhưng giảm 19,2% kim ngạch và giá giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 5/2023 sản lượng xuất sang thị trường này đạt 76.236 tấn, tương đương 29,92 triệu USD, giá trung bình 392,5 USD/tấn, tăng 64,7% về lượng và tăng 65,4% kim ngạch, giá tăng nhẹ 0,4% so với tháng 4/2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đạt 47.838 tấn, giảm 16,9% về lượng, giảm 62% kim ngạch và giảm 54,4% về giá, chiếm 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Đứng thứ 3 là thị trường Malaysia có sản lượng xuất khẩu đạt 45.552 tấn, giảm mạnh 44,3% về lượng, giảm 59,8% kim ngạch. Đặc biệt với các thị trường được ưu đãi như RCEP cũng giảm mạnh từ 45-50 % kim ngạch xuất khẩu.
Lý giải về nguyên nhân, ông Ngô Văn Đông – Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho rằng; thời gian vừa qua doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc sang Campuchia chiếm lĩnh thị trường, họ đầu tư và bao tiêu luôn đầu vào lẫn đầu ra về sản xuất nông sản. Đây sẽ là những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón Việt Nam. Với Bình Điền, sản lượng xuất khẩu sang Campuchia cũng lao dốc khi doanh nghiệp giảm sản lượng tới 3.000 tấn.
Tìm hướng đi mới
Đứng trước những thách thức trên Bình Điền và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã phải tìm kiếm các thị trường mới, các thị trường ít cạnh tranh hơn. Ngày 12/5, phân bón Bình Điền đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh cùng thỏa thuận mục tiêu chuyển giao công nghệ canh tác nông nghiệp tiên tiến với Tập đoàn Phongsavanh (Lào). Ngược lại Tập đoàn Phongsavanh sẽ là nhà phân phối độc quyền của phân bón của Bình Điền tại đất nước Lào trong thời gian tới.
Chia sẻ về hướng đi mới, một số doanh nghiệp xuất khẩu phân bón cho biết; ảnh hưởng do bối cảnh lạm phát giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, đặc biệt là u rê. Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm nên tồn kho cao. Ngoài các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Campuchia, doanh nghiệp sẽ nỗ lực mở rộng sang các thị trường mới để xuất khẩu như Lào và Đài Loan.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, cũng rất may mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về biểu thuế xuất khẩu kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; khuyến khích chủ doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh.
Việc áp dụng mức thuế xuất khẩu thấp hơn với các mặt hàng sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa trong nước như phân bón, sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nghị định số 26/2023/NĐ-CP tập trung chủ trương tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, được giảm thuế suất với một số mặt hàng phân bón và các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Cụ thể hợp nhất các quy định liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập được sửa đổi, bổ sung, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp.
Điển hình là đối với mặt hàng phân bón Nghị định số 26/2023/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với phân lân, urê. Riêng phân bón DAP, NPK quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng (51%), nhằm giảm thủ tục hành chính cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.
Việc sửa đổi này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện việc thu thuế xuất khẩu.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Do đó, việc áp dụng thuế xuất khẩu phân bón NPK bằng 0% rõ ràng là một tin đáng mừng trong bối cảnh phân bón NPK trong nước đã đủ cung, khuyến khích xuất khẩu, đồng thời cũng giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo Tiến sĩ Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân, những sửa đổi quy định của Luật Thuế 71, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mong muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Và cũng từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, cho người nông dân.
Bên cạnh đó, về dài hạn, ông Hà khuyến nghị, các doanh nghiệp phân bón cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình, giữ vững thị trường cũ và tìm thêm các thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu các loại phân bón có chất lượng cao, quan tâm đến phát triển bền vững, hóa học xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường.