TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM) chia sẻ tại Diễn đàn Liên kết vùng – động lực phát huy thế mạnh địa phương và triển vọng cho tăng trưởng kinh tế, do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức ngày 3/8.
Đặc biệt, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh đến việc phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Các doanh nghiệp, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.
Thay đổi phương thức khép kín sang chuỗi liên kết
“Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng”, bà Minh nói.
Một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng được TS. Trần Thị Hồng Minh chỉ ra đó là thiếu các thể chế đủ mạnh. Bên cạnh đó, bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng.
Nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao. “Do đó, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra”, bà Minh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2022 lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình…đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Mặc dù Đảng, Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng rất rõ ràng nhưng ông Nguyễn Văn Thịnh đánh giá trên thực tế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế – xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
“Liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.
Chưa kể, khi nói đến liên kết, lại đề cập quá nhiều nội dung, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Thực tế, thiết chế của chúng ta chưa cho phép, nhưng lại bàn quá nhiều nội dung liên kết nên rất khó để triển khai. Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là hợp tác xã và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.
Bứt phá khỏi cách làm cũ
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Liên kết đầu tư phát triển, liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng… chưa được triển khai một cách đầy đủ. Trong khi đó, với các doanh nghiệp và hợp tác xã trong lĩnh vực nông sản khi có sự liên kết vùng bền vững sẽ hỗ trợ cho họ có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu.
“Do đó, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ. Nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau”, ông Thịnh bày tỏ.
Đơn cử, liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.
Các địa phương cần nhận thức liên kết vùng tạo ra nhiều lợi ích cho chính địa phương của mình và cho tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt là với hoạt động kinh tế, cần không gian lớn hơn để hoạt động đầu tư nên khi liên kết lại sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh của vùng.
Hơn nữa, liên kết vùng cũng tạo ra hiệu ứng lan toả rộng, mà cụ thể điều này được chứng minh trong lịch sử phát triển công nghiệp, thương mại, phát triển kinh tế hợp tác ở nhiều địa phương, trong đó, nơi nào trở thành cực phát triển sẽ dẫn dắt cả vùng phát triển theo.
Một lợi ích nữa khi thúc đẩy liên kết vùng thực chất hơn là tạo ra sự phát triển cụm ngành, trong đó, nếu giữa các địa phương liên kết lại, sẽ dần dần hình thành được các cụm ngành – vốn là xu hướng sản xuất, đầu tư hay hiện nay, chứ không phải là một nhà máy, doanh nghiệp hay hợp tác xã đơn lẻ.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, hoặc là “góp gió thành bão”, “hợp quần gây sức mạnh”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. “Tôi tin rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình”, ông Thịnh nói.
Để liên kết vùng mang lại hiệu quả, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.