Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.
Trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”.
Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.
Có thể nêu một số ví dụ điển hình để minh hoạ: Một là, kịp thời sửa đổi và ban hành Nghị quyết mới về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hai là, liên tục (4 lần) hạ lãi suất ngân hàng để giảm áp lực vay vốn cho doanh nghiệp. Ba là, quyết liệt giải ngân đầu tư công, ráo riết thực hiện chương trình phát triển hạ tầng giao thông, tập trung vào hệ thống đường bộ cao tốc và sân bay. Bốn là, tích cực tháo gỡ các nút thắt trong một số dự án bất động sản lớn, nhằm giảm dần áp lực “nổ” cho thị trường. Năm là, thay đổi mạnh mẽ chính sách visa – thị thực cho người nước ngoài.
Còn nhiều chính sách và giải pháp cụ thể khác trong lĩnh vực tài khóa – tiền tệ, trong y tế, phòng cháy – chữa cháy, … được đề xuất và triển khai theo cách thức tương tự: mạnh mẽ, quyết liệt, theo logic khác thường, …, nhờ đó, thúc đẩy giải quyết vấn đề, giúp sớm khôi phục lòng tin của thị trường và xã hội.
Hiện nay, trong nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế “bản địa” nói riêng, vẫn tồn đọng nhiều vấn đề chưa giải quyết được, doanh nghiệp vẫn đối mặt không ít khó khăn, động lực tăng trưởng vẫn chưa phục hồi, thậm chí còn suy yếu. Thêm vào đó, vì những lý do ngoài kinh tế, lòng tin thị trường vẫn chưa được khôi phục đầy đủ như mong đợi13. Trong khung cảnh đó, khâu thực thi chính sách vẫn “tụt hậu” khá xa so với khâu ban hành chính sách.
Tình hình thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn, đang tác động tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta. Trong nhiều trường hợp, những tác động này “vượt ngoài tầm với” chính sách của Chính phủ.
Song, trong bối cảnh đó, cách tiếp cận chính sách và giải pháp mới của Nhà nước đang tạo ra những thay đổi rõ rệt, có giá trị “làm xoay chuyển tình thế” của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực “bản địa”. Điều đó cho thấy triển vọng của tư duy và cách tiếp cận chính sách, giải pháp mới đang được triển khai.
Định hướng tương lai và cam kết tạo động lực mới
Trong thời gian gần đây, bên cạnh những nỗ lực “chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi” những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tồn, Đảng và Nhà nước còn tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”, trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế.
Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia.
Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam – đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.
Về thực chất, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, nói chung là mới mẻ ở Việt Nam. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường (đề cao trách nhiệm cá nhân) sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy.
Định hướng mới mẻ này đang được triển khai rõ nhất trên hai tuyến quan trọng của nền kinh tế – phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.
Cách tiếp cận Quy hoạch Điện VIII, với ưu tiên mang tính bước ngoặt (không ngờ) vào phát triển năng lượng tái tạo, định hướng vào công nghệ điện hydrogien mở ra những khả năng và triển vọng to lớn để cải thiện năng lực của Việt Nam – không chỉ là năng lực giải quyết tình trạng thiếu điện tiêu dùng của đất nước mà còn là tạo vị thế mới và mạnh cho Việt Nam trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Đó là chưa kể những lợi ích to lớn khác phái sinh từ đó, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu – đang là những mục tiêu cấp bách hàng đầu của toàn thế giới.
Có lẽ không cần bàn thêm ở đây – do giới hạn phạm vi bài viết – về tuyến phát triển kinh tế số mà Chính phủ đang chỉ đạo thúc đẩy ráo riết với tư cách là một động lực vừa có vai trò thúc đẩy, vừa có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Hai tuyến hành động này chưa bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, song chúng có giá trị định hướng, đặc biệt là ở khía cạnh tạo động lực phát triển mới phù hợp với xu thế thời đại. Tính thời đại sẽ là nền tảng bảo đảm vai trò chủ đạo của những động lực đó.
Theo đó, cần thiết kế định hướng các ưu tiên chính sách, khai thông các tuyến “huyết mạch” chủ yếu để việc tập trung phân bổ nguồn lực và vận hành chúng thông suốt được thực hiện.
Sức hấp dẫn đầu tư quốc tế của Việt Nam
Kinh tế thế giới được dự báo là đang trong thời kỳ “một thập niên mất mát”. Đây là một dự báo có nhiều căn cứ đáng tin cậy (xung đột trên thế giới, thời đại “tiền dễ” không còn, hậu quả trầm trọng của covid, biến đổi khí hậu, tình trạng đứt chuỗi và “vỡ cấu trúc”, …).
Xét theo logic thông thường và theo xu thế chung, nền kinh tế có độ mở cửa cao nhưng thực lực chưa mạnh của Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ từ tình hình đó.
Thách thức này buộc Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đối phó, bao gồm củng cố những năng lực – động lực hiện có và quan trọng không kém, thực ra là ngày càng quan trọng hơn, phát triển những năng lực – động lực mới.
Một trong những tuyến năng lực đó – mà Việt Nam đang có lợi thế – là sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài mạnh.
Thực sự, Việt Nam đang có những điều kiện tự thân (do đó, đáng tin cậy), cộng với bối cảnh quốc tế tạo ra những lực xô đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi, để duy trì và gia tăng sức hấp dẫn đó.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng đầu tư nước ngoài thế nào để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” – là mục tiêu mà Việt Nam đang đặt ra, trước hết là cho chính mình trong việc tạo lập môi trường đầu tư.
Cho đến nay, trong hoạt động này, dường như quan điểm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, cách triển khai thực hiện chưa thật sự phù hợp với tinh thần “hài hòa lợi ích”, trong đó, lợi ích phát triển của Việt Nam chưa thật sự được bảo đảm như mong đợi, đặc biệt là một số lợi ích chiến lược – ví dụ lợi ích lan tỏa phát triển ra khu vực bản địa, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ và năng lực cạnh tranh của khu vực “nội lực”, v.v.
Đó là chưa kể đến xu thế hình thành “nền kinh tế nhị nguyên” có nguy cơ gây méo mó cấu trúc và sai lệch định hướng chính sách.
Giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới và lớn khác thường cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo nhảy vọt phát triển.
Mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối – nguồn nhân lực chất lượng – lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh để nối chuỗi.
Việc thiết kế một hệ nhiệm vụ nhằm tạo lập các điều kiện nêu trên theo hướng ưu tiên là việc làm cấp bách bậc nhất hiện nay – không chỉ để tận dụng tốt thời cơ mà quan trọng hơn về mặt chiến lược – để nền kinh tế phát triển năng lực độc lập tự chủ trong hệ thống kinh tế mở toàn cầu.
(Tham luận của PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN –
Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)