Do đó, cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế đến với vùng.
Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) 2023 dự kiến được tổ chức vào 2 ngày 1-2/12 tại TP Cần Thơ với 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
– Thưa ông, ông đánh giá thực trạng vấn đề chuyển đổi số logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như thế nào?
Chuyển đổi số trong logistics cũng như các ngành giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, thời gian, nâng sức cạnh tranh. Hiện, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đã mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như khai thác cảng, kho bãi, vận tải.
Cụ thể, thứ nhất là đa số các cảng có phần mềm theo dõi tàu ra vào với các mức độ khác nhau, có phần mềm tự động hoá ở mức độ cao phục vụ cho hoạt động logistics.
Thứ hai, chuyển đổi số kho bãi, chúng ta có khái niệm “kho thông minh”, giúp giảm khối lượng lao động thủ công bằng cách dùng các phương tiện tự động xếp dỡ. Tuy nhiên, khối lượng kho như vậy ở Việt Nam rất ít, đa số các kho hiện nay mới chuyển đổi số một phần qua các phần mềm quản lý hàng hoá, không ghi chép trên giấy giúp giảm thiểu con người và tăng tính chính xác trong mọi hoạt động.
Thứ ba, quản lý vận tải với các đầu phương tiện đường bộ như phát các lệnh vận tải, giám sát theo dõi hành trình, tìm ra những lộ trình tối ưu và cả giao hàng nhanh nhất nhằm tránh tốn kém thời gian di chuyển.
Trong tương lai, chúng ta sẽ đi theo “con đường” giống các nước, đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hoá… Vừa qua khi chúng tôi tham quan học hỏi tại Trung Quốc, mức độ tự động hoá của họ rất cao. Đơn cử như việc bốc xếp ở cảng gần như không có người, bộ phận điều khiển cách 40km chỉ thông qua màn hình. Cơ bản các cảng đó, các xe đầu kéo cũng không có người điều khiển mà đều được lập trình sẵn.
Vì vậy Việt Nam sẽ phấn đấu tự động hoá, ứng dụng AI nhận diện, phân tích hành vi khách hàng, luồng hàng để việc lưu trữ thuận lợi hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số logistics, kho thông minh.
– Nguồn hàng chính của vùng ĐBSCL là nông sản, vậy điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng logistics cho nông sản của vùng hiện nay là gì, thưa ông?
Nông sản tại khu vực ĐBSCL có ba sản phẩm chính là lúa gạo, trái cây và thuỷ sản. Trừ lúa gạo có điều kiện bảo quản lâu dài trong điều kiện bình thường, còn trái cây thì đòi hỏi hình thức đặc biệt hơn, đó là phải bảo quản từ 4 độ C trở xuống. Riêng với thuỷ sản phải bảo quản ở nhiệt độ -18 đến -25 độ, đòi hỏi các xe chuyên dụng, kho chuyên dụng khiến chi phí bảo quản, vận chuyển cao lên so với hàng hoá thông thường.
Bên cạnh đó, do không có cảng, tàu xuất hàng trực tiếp tại khu vực này mà cần phải có tàu Feeder đưa về cảng chính ở TP HCM, trong khi vận chuyển đường bộ thì chi phí cao. Chúng tôi nhận thấy, hiện khu vực ĐBSCL đang vận chuyển hàng hoá rất tốt bằng sà lan qua đường sông, nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là khâu bảo quản, và chi phí lưu kho cao hơn.
Thời gian vừa qua, hoạt động xuất khẩu của chúng ta đã tốt lên rất nhiều, mặc dù có điểm nghẽn, nhưng chúng ta vẫn vượt qua được và nếu tháo gỡ được các khó khăn thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn.
– Bên cạnh đó, sự khiêm tốn về số lượng và năng lực của doanh nghiệp logistics tại vùng cũng là rào cản cho việc hoàn thiện chuỗi logistics ĐBSCL? Giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?
Trong bối cảnh thị trường kém khả quan đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.
Các doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác ngoài thích ứng, chuyển đổi để nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu từ đối tác, tham gia cuộc đua hội nhập.
Cùng với đó, Nhà nước cũng phải thông qua cơ chế khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và hiệu quả. Ngay từ thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp, hỗ trợ mặt bằng cho xây dựng, rút ngắn thủ tục thời gian và chi phí.
Ngoài ra, còn có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế đến với ĐBSCL giống như thu hút đầu tư, để làm sao có sự thuận lợi. Có thể thấy, ĐBSCL có lợi thế rất lớn, là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất cả nước, có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ngay cả doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được các lợi ích tiềm tàng nên chưa thu hút đầu tư mạnh mẽ.
– Trân trọng cảm ơn ông!