Đây là một trong những hạn chế triển khai đầu tư công tại Việt Nam được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
Năm 2023, đầu tư công trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế khi mà các động lực tăng trưởng khác suy giảm do tác động của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, không chỉ trong ngắn hạn mà ở giai đoạn trung và dài hạn, từ khảo sát của WB cho thấy, tại 13 quốc gia phát triển trên thế giới đã trải qua giai đoạn hiện nay như Việt Nam, đầu tư công luôn là động lực quan trọng cho tăng trưởng cao, thường chiếm khoảng 7% GDP trong thời gian dài.
“Bên cạnh các yếu tố quan trọng khác thì nguồn vốn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Hiện nay, Việt Nam còn dư địa tài khoá dồi dào để tăng đầu tư công hoặc ít nhất duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển như hiện nay” – bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB cho biết.
Cùng với việc đầu tư thêm nguồn lực, hiệu quả của đầu tư công cũng là vấn đề quan trọng. Theo ước tính, nhiều năm nay, tiến độ giải ngân đầu tư công thường chỉ chiếm 70% ngân sách dự toán.
Theo chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB, Việt Nam có mức phân cấp đầu tư công cao so với thế giới. Cụ thể, với chi đầu tư, ngân sách trung ương của Việt Nam chiếm khoảng 20% trong tổng chi đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2022, so với mức 40% cách đây 7 năm và dành bình quân 80% đầu tư công được thực hiện qua các chính quyền địa phương (2017-2022). Mức này cao trên gấp đôi so với các quốc gia có hệ thống ngân sách quản lý thống nhất (34,5%) và các quốc gia nói chung (39,5%).
Phân cấp cho địa phương khá lớn trong khi thiếu cơ chế liên kết và phối hợp vùng miền tốt, theo WB khiến cho hiệu suất đầu tư công chưa cao do trùng lặp trong phân bổ, thách thức trong triển khai, huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân chưa tối ưu… Dễ dàng nhận thấy có một số dự án đầu tư trùng lặp giữa các địa phương.
WB lấy điển hình về thực trạng đầu tư trùng lặp vào hệ thống cảng biển, sân bay và thủy điện. Việt Nam có 47 cảng biển với quy mô khác nhau ở các địa phương nhưng 95% hàng hóa đều đi qua ba cảng được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư và vận hành. Ngoài ra, dù có đến 22 sân bay trên toàn quốc nhưng chỉ có 8 sân bay quốc tế trong khi các sân bay còn lại chỉ đón máy bay nhỏ, thân hẹp, hiệu quả kinh tế thu được chưa cao…
Trong những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường khả năng và hiệu quả kết nối các địa phương, vùng miền. Song, để liên kết vùng hiệu quả lại đang thiếu cơ chế thúc đẩy tài chính và đầu tư liên kết bởi dù liên kết theo mô hình nào đều cần cơ chế tài chính đi kèm.
Nhận định, đây là vấn đề khó nhưng WB khuyến nghị, không thể không giải quyết kịp thời để góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công. Theo đó, cơ chế phân cấp tài khoá cần được hiện đại hoá để cân đối tốt hơn giữa nhu cầu trung ương và địa phương, bao gồm cả các tỉnh, thành động lực tăng trưởng của quốc gia cũng như các tỉnh nghèo. Những hạn chế pháp lý trong Luật Ngân sách Nhà nước cần được xem xét, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện đầu tư liên kết, góp phần nâng cao hiệu ứng cộng hưởng của đầu tư.
“Luật Ngân sách dự kiến được sửa đổi sẽ xem xét nội dung này. Chúng tôi đang tham khảo những kinh nghiệm quốc tế trong liên kết vùng để có cơ chế tài chính phù hợp” – bà Vũ Hoàng Quyên cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trong liên kết vùng, các cơ chế tài khoá và cơ chế khuyến khích cần được ban hành tạo điều kiện thực hiện các hành động đầu tư xanh và thích ứng biến đổi khí hậu trong quan hệ giữa các cấp chính quyền. Vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu khó có thể giải quyết trong khuôn khổ của một tỉnh, thành mà sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn khi đặt trong liên kết vùng.